Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN cần có quy định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ tín dụng để các ngân hàng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Dù ngành ngân hàng đã công bố đạt được nhiều kết quả tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than thở chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng.
Mạnh ai nấy làm
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết đến nay các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng...
Đó quả là những con số ấn tượng, nhưng mức độ hỗ trợ của các ngân hàng cũng rất khác nhau. Đơn cử như đến nay VPBank đã cơ cấu lại hàng ngàn tỷ đồng dư nợ cho hơn 5.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời cũng cung cấp thêm hàng ngàn tỷ đồng dư nợ mới với lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong khi VietinBank đã thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng trên 700 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng...
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội (HaSME), cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đang gặp không ít khó khăn trong việc thụ hưởng các gói hỗ trợ này. “Nhiều doanh nghiệp cho biết đã tiếp cận ngân hàng, đề nghị giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ nhưng thường nhận được câu trả lời là chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện được”, ông Quốc Anh thông tin.
Sở dĩ có tình trạng trên do Thông tư 01/2020/TT-NHNN chỉ “quy định khung” về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch, song lại không quy định cụ thể về tiêu chí của đối tượng được thụ hưởng như số lượng người lao động bị nghỉ việc là bao nhiêu, doanh thu giảm thế nào, lĩnh vực, nghành nghề nào...?
Cũng chính bởi NHNN để cho các ngân hàng “tự quyết”, nên các ngân hàng triển khai theo khẩu vị rủi ro và năng lực tài chính của mình. Điều đó có thể dẫn tới sự mất công bằng trong việc thụ hưởng chính sách bởi có doanh nghiệp dù mức độ ảnh hưởng là khá lớn, song không được hỗ trợ; trong khi doanh nghiệp khác dù mức độ ảnh hưởng ít hơn, nhưng vì vay vốn ở ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh hơn nên lại được hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 24/04/2020
05:26, 20/04/2020
05:17, 16/04/2020
11:10, 15/04/2020
05:09, 15/04/2020
Bởi vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần nhanh chóng sửa đổi Thông tư 01 để các ngân hàng thống nhất thực hiện cũng như tạo sự công bằng cho các đối tượng thụ hưởng. “NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ (có thể theo mức giảm doanh thu) để các ngân hàng nhất quán thực hiện”, TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV đề xuất.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực đề nghị cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng vay trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi dòng tiền của doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị tăng thời gian cơ cấu lại nợ lên 18 hoặc 24 tháng, thay vì mức 12 tháng như tại Thông tư 01. Lý do là dịch bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng tới, và sau đó doanh nghiệp cần thời gian phục hồi.