Một mặt, các ngân hàng liên tiếp đưa ra các gói kích cầu cho vay, nhưng chiều ngược lại là sự thận trọng khi không hạ thấp chuẩn cho vay.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền kinh tế có thể phục hồi trụ vững hay không là tuỳ thuộc vào nỗ lực nội tại của chính cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, vai trò của doanh nghiệp chiếm vị trí quan trọng nhất.
"Trong thời điểm hiện nay, làm sao tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ đang là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, bởi "nhanh một ngày thì có thể doanh nghiệp sống nhưng chậm một ngày rất có thể doanh nghiệp không còn. Một đồng của ngày hôm nay có giá trị nhiều lần so với mười đồng của ngày hôm sau", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cùng với đó là các vấn đề về chuyển đổi số, tái cấu trúc nâng cao chất lượng quản trị và nhân lực doanh nghiệp để bước vào giai đoạn tái khởi động doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. "Nền kinh tế thế giới sau đại dịch sẽ được định hình lại, các chuỗi giá trị sẽ được thay đổi, các dòng đầu tư thương mại sẽ đảo chiều. Doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước thời cơ và thách thức chưa từng có", Chủ tịch VCCI nhận định.
Trong đó, nhận định về cơ hội đón dòng đầu tư để "hoá rồng, hoá hổ" đã được nhắc tới rất nhiều. Các gói hỗ trợ kích thích hồi phục kinh tế đã được đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận các gói hỗ trợ vẫn được doanh nghiệp cho biết là gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Ông Trần Mạnh Đạt, TGĐ CTY D&D cho biết, mặc dù các gói hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp đã được đưa ra. "Nhưng điều kiện vay vẫn không giảm tiêu chí, cho vay tín chấp vẫn kèm nhiều điều kiện, do đó doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước", ông Đạt chia sẻ.
Cùng với đó, khi doanh nghiệp vay không tín chấp thì lại có điều kiện bị ngân hàng quản lý dòng tiền. “Tức là khi có nguồn tiền về tài khoản của doanh nghiệp sẽ bị ngân hàng giữ lại và trừ đi khoản vay trước đó, điều này khiến doanh nghiệp khó có nguồn vốn để xoay sở vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Đạt chia sẻ.
Tuy nhiên, lý giải vấn đề này, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh cho vay tín chấp thì các ngân hàng thương mại cũng cung cấp gói cho vay không có tài sản đảm bảo, thay vào đó ngân hàng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp.
“Phương thức này các ngân hàng đã triển khai khá phổ biến, đó là sự thoả thuận giữa hai bên doanh nghiệp và ngân hàng. Điều kiện cho vay là không thay đổi và nới lỏng vì các gói tín dụng hỗ trợ là chương trình được xây dựng từ nguồn tiền huy động của dân cư và xã hội, do đó vẫn phải đảm bảo an toàn vốn vay và đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế”, bà Giang lý giải.
Về quy trình thì Ngân hàng nhà nước cũng có nhiều yêu cầu về đơn giản quy trình cho vay để tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp.
Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho biết quy định chương trình cho vay người lao động trả lương lao động vẫn chưa có quy định rõ ràng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho biết, khách hàng sẽ chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất, dù lãi suất giảm.
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dĩ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng không dễ. Còn với những doanh nghiệp lớn và đủ khả năng thì không sử dụng vốn vay nhiều trong giai đoạn này để giảm bớt chi phí, chiến lược chủ yếu của các doanh nghiệp này là giảm chi (kể cả lãi vay) để giữ trạng thái an toàn tài chính. Việc sử dụng vốn vay chủ yếu là khoản cấp bách hoặc thực hiện theo các hợp đồng tín dụng dang dở.
Có thể bạn quan tâm
04:40, 03/05/2020
09:00, 21/04/2020
05:09, 15/04/2020
11:42, 02/04/2020
06:49, 11/03/2020
21:12, 09/05/2020
00:00, 06/05/2020