Vietcombank sẽ tăng vốn từ phát hành 1 tỷ cổ phiếu, chia cổ tức tiền mặt và bán vốn cho đối tác

LÊ MỸ 23/04/2021 12:26

Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) diễn ra sáng nay 23/4.

Một trong những nội dung quan trọng của ĐHĐCĐ Vietcombank kì này là trình kế hoạch tăng vốn điều lệ ngân hàng.

ĐHĐCĐ 2021 Vietcombank được cổ đông mong đợi với kế hoạch chia cổ tức tiền mặt dự kiến 8%

ĐHĐCĐ 2021 Vietcombank bàn kế hoạch tăng vốn

Theo tờ trình, Vietcombank sẽ tăng vốn điều lệ từ 37.088 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, thông qua các cấu phần:

Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 27% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức 2019 (tỷ lệ 8% bằng tiền mặt). Thời gian thực hiện trong năm 2021.

Thứ hai, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương phát hành hơn 307 triệu cổ phiếu cho tối đa 99 nhà đầu tư. Giá phát hành không thấp hơn định giá của tổ chức định giá và bình quân số học giá đóng cửa 10 phiên giao dịch trên HoSE, liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. 

Theo đó ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 50.401 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng cho biết về thời điểm triển khai chia cổ tức tỷ lệ 8% và phát hành cổ phiếu tỷ lệ 27%,  đã có chủ trương được các cấp cao nhất thông qua và sẽ sớm triển khai ngay trong tới đây. 

Vietcombank đã có một năm kinh doanh hiệu quả và vẫn thực hiện trách nhiệm ngân hàng đi đầu đồng hành với nền kinh tế. 

Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2020, ngân hàng lãi trước thuế 23.044 tỷ đồng, gần tương đương cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế hơn 18.000 tỷ đồng. Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích các quỹ, ước tính hơn 13.000 tỷ đồng để chia cổ tức 2020, tùy thuộc vào ý kiến của NHNN. 

Đến 31/12/2020, cho vay khách hàng hơn 839.788 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Nợ xấu ở mức 5.228 tỷ đồng, giảm 10%. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 0,7% xuống 0,6%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 370%. 

Tiền gửi khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác cũng tăng 41% lên 103.583 tỷ đồng, trong khi khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm 45% xuống 41.176 tỷ đồng. Ngân hàng có lợi nhuận sau thuế lũy kế hơn 44.118 tỷ đồng và đáng chú ý bên cạnh đó Vietcombank còn quỹ tổ chức tín dụng 12.204 tỷ đồng và thặng dư vốn hơn 4.995 tỷ đồng. Đồng thời ngân hàng cũng có tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu cao nhất hệ thống lên đến trên 360%. 

Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%, (ước tính đạt 25.580 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng (có điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính). Tổng tài sản mục tiêu tăng 5%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 7%, tín dụng tăng 10,5%. Ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới 1%. Vietcombank cũng dự kiến trả cổ tức 2021 tỷ lệ 8%. 

Lý giải về kế hoạch 2021 có phần thận trọng, ông Phạm Quốc Dũng cho chỉ tiêu 11% được xây dựng căn cứ trên tình hình thực tế  của Vietcombank và tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính. 

Theo chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, kế hoạch 2021 của ngân hàng có căn cứ theo chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng được NHNN giao là 10,5%. Con số tăng trưởng 11% lợi nhuận phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa được nới. Riêng quý I, ước tính ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.000 tỷ đồng, bao gồm khoản phí trả trước (upfront) từ hợp đồng bảo hiểm với FWD. 

Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, người đứng đầu Vietcombank cũng chia sẻ ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt quản trị rủi ro, tích lũy lợi nhuận để tạo đột phá. HĐQT sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, với kế hoạch lợi nhuận đạt 2 tỷ USD năm 2025, gấp đôi năm 2020. Trong đó, hoạt động bán lẻ sẽ đóng góp 50% lợi nhuận, tương đương 1 tỷ USD. 

Nói thêm về tín dụng các năm tới, ông Thành khẳng định ngân hàng sẽ duy trì quy mô tín dụng cao nhất toàn ngành, với trọng tâm là bán lẻ. Chất lượng tín dụng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ chứ không có việc nới lỏng. Hiện Vietcombank đã "đi trước" về kiểm soát chất lượng tín dụng thông qua việc phân loại khách hàng.

Tại đại hội, cổ đông cũng xem xét miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. 

Có thể bạn quan tâm

  • Quý I/2021: Ngân hàng tăng mạnh thu nhập từ xử lý nợ

    Quý I/2021: Ngân hàng tăng mạnh thu nhập từ xử lý nợ

    06:30, 21/04/2021

  • Để có ngân hàng 100 tỷ USD

    Để có ngân hàng 100 tỷ USD

    12:59, 13/04/2021

  • Ngân hàng lãi lớn nhìn từ Big 3

    Ngân hàng lãi lớn nhìn từ Big 3

    06:00, 09/01/2021

  • Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành: Trăn trở về một Vietcombank bứt phá hơn nữa và hội nhập quốc tế thành công

    Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành: Trăn trở về một Vietcombank bứt phá hơn nữa và hội nhập quốc tế thành công

    03:00, 24/02/2021

LÊ MỸ