Quan sát bước tiến của hệ thống ngân hàng Việt Nam, có thể liên tưởng đến bước đi của các ngân hàng Hàn Quốc.
TS. Đào Minh Tú- Phó Thống đốc NHNN Việt Nam từng nói đến câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu của Hàn Quốc. Theo chia sẻ của ông, có thể thấy ngành ngân hàng Hàn Quốc đã lột xác và Việt Nam có khá nhiều bước đi tương tự.
Điểm tương tự lớn nhất trong giai đoạn qua, là sự vận động tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ theo hướng tự chấn chỉnh, củng cố; sáp nhập, hợp nhất tự nguyện; sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém; phá sản đối với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, không có khả năng gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và thị trường tài chính. Hàn Quốc đã thành công đưa 33 ngân hàng xuống còn 20 ngân hàng, đồng thời không để phá sản tổ chức nào. Điều này cũng đã diễn ra với Việt Nam với chỉ còn 35 NHTM.
Tuy nhiên, số lượng TCTD của Việt Nam còn “dày” và liệu sẽ còn những bước tái cơ cấu kế tiếp khắc nghiệt hơn ở giai đoạn 2021-2025?
Ngoài ra, Hàn Quốc khuyến khích các NHTM lớn sáp nhập và hợp nhất với nhau để trở thành các ngân hàng hàng đầu có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài. Tháng 11/2001, 02 ngân hàng lớn của Hàn Quốc là Kookmin Bank và Housing & Commercial Bank đã tự nguyện sáp nhập để trở thành ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc.
Việt Nam chưa có vụ sáp nhập nào giữa các ngân hàng lớn top đầu với nhau nhưng theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg, ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.
Ở vị trí tốp 200 ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng tài sản 50 tỷ USD, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank đặt mục tiêu tới 2025 sẽ đạt tổng tài sản 100 tỷ USD, lợi nhuận 1,5 tỷ USD. Song theo ông Thành, mặc dù rất nỗ lực, một mình ngân hàng vẫn không đủ và cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành cũng như Chính phủ.
Với việc xác định vai trò chi phối của các ngân hàng lớn, các NHTMNN sẽ đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, cộng thêm các quyết định có tính sách lược cho những ngân hàng hàng đầu tăng vốn, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành ngân hàng rõ ràng đang đi theo hướng tạo đà kích thích sự phát triển có kiểm soát của các TCTD. Sự phát triển này rất cần cho sự lớn mạnh, tương thích với đà tăng trưởng hiện tại và bao hàm quy mô tương lai của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm