CPTPP: Kỳ vọng nhiều, làm chưa được bao nhiêu
Bức tranh hội nhập 2019 của Việt Nam mở đầu bằng một sự kiện đã được chờ mong từ rất lâu - CPTPP, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam tới hiện tại.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Sau một năm thực thi, dường như những gì chúng ta kỳ vọng vẫn chưa trở thành hiện thực được bao nhiêu.
Cải thiện thể chế từ động lực và sức ép từ CPTPP là một trong những tác động tích cực được kỳ vọng nhất từ CPTPP. Không phải ngẫu nhiên khi để thực thi Hiệp định này, Việt Nam có hẳn một bản Kế hoạch thực hiện tổng thể, được Chính phủ ban hành chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định có hiệu lực. Bản Kế hoạch này liệt kê nhiều việc mà các bộ ban ngành liên quan từ trung ương đến địa phương phải triển khai, trong đó cải thiện thể chế là một phần nhiệm vụ quan trọng.
Những thay đổi thể chế chậm chạp
Tiếc rằng hành động của Chính phủ thì rất nhanh nhưng bộ ngành địa phương lại không như vậy. Hạn hoàn tất và báo cáo Chính phủ về các Kế hoạch thực thi của bộ ngành địa phương là ngày 01/3/2019. Sau vài lần Chính phủ nhắc nhở, tới cuối tháng 8, yêu cầu này mới gần như được hoàn thành (mà cũng chỉ gần như thôi, vì vẫn có vài bộ ngành, địa phương vẫn chưa có kế hoạch gì). Xây kế hoạch là vậy, việc triển khai không đoán cũng biết là còn chậm hơn nữa.
Xin lấy ví dụ về công tác ban hành văn bản pháp luật nội địa để thực thi cam kết, phần công việc rõ ràng nhất, và cũng dễ đánh giá hiệu quả nhất trong bản Kế hoạch.
Tính đến hết năm 2019, đã có 08 văn bản cả cấp Luật, Nghị định và Thông tư được ban hành. Vài tháng soạn thảo cho một văn bản như vậy là rất nhanh rồi. Vấn đề là nếu so với cam kết, thì tất cả đều là chậm, là lỡ hẹn (có văn bản chậm 01 tháng, có văn bản chậm nửa năm, có văn bản chậm 3 quý). Đó là chưa tính tới những văn bản tới nay vẫn đang dự thảo, còn chưa được ban hành.
Tất nhiên, các văn bản này đều được áp dụng hồi tố lại từ ngày cam kết liên quan có hiệu lực (14/1/2019). Vấn đề là trước khi các văn bản này được ban hành, đặc biệt là các văn bản liên quan tới thuế, tới thủ tục chẳng có mấy doanh nghiệp dám đặt cược các kế hoạch kinh doanh vào một dự thảo của tương lai cả.
Đó là mới kể tới các văn bản phải ban hành vì lời hứa của chúng ta trong CPTPP. Với các trường hợp điều chỉnh chính sách, pháp luật không phải vì yêu cầu cam kết, mà vì chính nhu cầu nội tại của Việt Nam để tận dụng hiệu quả, càng khó để nhận diện được những kết quả trong năm đầu tiên này.
Nhiều nỗ lực cải cách vẫn đang được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thực hiện. Những nỗ lực đó đang góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó gián tiếp giúp doanh nghiệp hội nhập tốt hơn, và có thể cũng giúp doanh nghiệp tận dụng CPTPP tốt hơn. Nhưng hầu như không thể nhìn thấy ảnh hưởng hay tác động cộng hưởng nào từ CPTPP tới các nỗ lực này.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu mờ nhạt
Cùng với thể chế, tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các đối tác, là nhóm lợi ích được kỳ vọng lớn thứ hai trong CPTPP. Khác với các thay đổi thể chế, tác động về tăng trưởng thương mại dễ định lượng hơn, cũng cho thấy trực diện hơn những lợi ích đạt được.
Xét tổng thể, sau một năm thực hiện CPTPP, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Hiệp định đã có những thay đổi theo chiều hướng gia tăng, nhưng không thực sự rõ ràng.
Một năm thực thi Hiệp định CPTPP có lẽ đủ để cho chúng ta nhận diện về những hạn chế.... Sự chậm trễ của các cơ quan Nhà nước và sự thiếu chủ động của doanh nghiệp có lẽ là điều dễ nhận thấy.
Người lạc quan cho rằng kết quả tăng trưởng xuất khẩu sang các nước CPTPP 8,3% so với 2018 đã cho thấy hiệu quả của CPTPP. Đây không phải là mức tăng trưởng lớn. Nhưng trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều nước giảm sâu dưới tác động của biến động nhu cầu và chính sách của các thị trường hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kết quả này đã là rất tích cực, cho thấy CPTPP đang phát huy hiệu quả, giúp ngăn suy thoái trong xuất khẩu.
Mặc dù vậy, người thận trọng sẽ không quá lạc quan.
Mức tăng trưởng 8,3% xuất khẩu sang các nước CPTPP (chỉ tính 06 nước đã phê chuẩn CPTPP, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Canada, Mexico, Australia và New Zealand) thực ra chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với mức tăng trưởng 8,1% chung của xuất khẩu Việt Nam năm 2019 đi toàn thế giới.
Tăng trưởng xuất khẩu vào Canada và Mexico, hai thị trường chưa có FTA nào khác với Việt Nam ngoài CPTPP, trong năm 2019 là rất ấn tượng, lần lượt là 28,2% và 26,8% năm 2019. Tuy thế, nếu nhìn trong quá khứ, mức này cũng chưa phải là đột biến, và có thể chỉ nhỉnh hơn so với tăng trưởng tự nhiên chút ít. Ví dụ với Canada, trong các năm 2013-2014, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã từng đạt mức tăng trưởng lần lượt là 32,7% và 35%/năm, và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giai đoạn 2011-2018 trung bình lên tới 18%/năm.
Với Nhật Bản, một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7,7% năm 2019 rõ ràng đã giảm tốc dần so với mức 14,9% năm 2017 và 11,7% năm 2018. Thậm chí mức này còn thấp hơn tăng trưởng trung bình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này suốt giai đoạn 2011-2018 (8,6%).
Các thị trường khác trong CPTPP cũng chứng kiến sự giảm tốc về xuất khẩu, thậm chí còn giảm ở giá trị tuyệt đối (thị trường Australia).
Có thể bạn quan tâm
Nhìn lại sau một năm thực thi CPTPP để hướng đến EVFTA
14:00, 21/02/2020
TS Võ Trí Thành: EVFTA, CPTPP tạo cơ hội kết nối, thu hút đầu tư cho doanh nghiệp
03:00, 20/02/2020
Đồng bộ sản phẩm dệt may để đáp ứng EVFTA, CPTPP
09:11, 13/12/2019
Nâng cao cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mexico từ CPTPP
15:01, 22/10/2019
CPTPP: Cơ hội và thách thức với Việt Nam khi thực hiện nghĩa vụ về minh bạch
05:20, 30/09/2019
Ở chiều nhập khẩu, tác động của CPTPP không thật rõ ràng khi có tới một nửa số nước có kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam không tăng mà lại giảm, trái ngược so với dự đoán ban đầu. Tất nhiên, tăng trưởng nhập khẩu không phải là mục tiêu của chúng ta trong cán cân thương mại. Dù vậy, tăng trưởng nhập khẩu từ các đối tác CPTPP, đặc biệt là các đối tác có công nghệ nguồn và nằm trong cùng chuỗi sản xuất với Việt Nam cũng mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.
Một năm thực thi với một Hiệp định đồ sộ như CPTPP có lẽ là quá ngắn để có đánh giá chính xác và đầy đủ về các tác động thể chế hay xuất khẩu từ CPTPP. Mặc dù vậy, một năm này đủ để cho chúng ta nhận diện về những hạn chế trong thực hiện Hiệp định này. Sự chậm trễ của các cơ quan Nhà nước và sự thiếu chủ động của doanh nghiệp có lẽ là điều dễ nhận thấy nhất.
Hy vọng sang năm 2020, cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp sẽ đồng hành, với những hành động kịp thời và tích cực hơn, để không bỏ lỡ những cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định này.