Với cơ hội rộng lớn từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam - Mexico đang có nhiều dư địa hợp tác trong thời gian tới.
Trong buổi tiếp đón và làm việc với đoàn doanh nghiệp Mexico do ông Ley Sergio, Giám đốc khu vực châu Á, Hội đồng doanh nghiệp Mexico về Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ (COMCE), Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, doanh nghiệp hai nước đang có những điều kiện thuận lợi cho hợp tác khi hai nước đều là thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và tham gia CPTPP.
Theo đó, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng nhanh. Trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 2,6 lần.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 10/10/2019
00:48, 14/09/2019
05:00, 17/10/2019
02:28, 22/10/2019
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2019, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đạt 1,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 1,04 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018.
Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico chủ yếu nằm ở nhóm hàng nông, thủy hải sản, điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may... Đáng chú ý, gạo và hàng nông sản đang có tiềm năng cao.
Theo cam kết CPTPP, gạo trắng vào Mexico được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, với lộ trình giảm trong 10 năm đầu cắt giảm 2% mỗi năm. "Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gạo Việt Nam tăng khối lượng xuất khẩu vào Mexico trong thời gian tới", ông Khương đánh giá.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng mang lại những ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản (cá đông lạnh, tôm)... Do đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thời gian tới, qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác, VCCI và COMCE sẽ xây dựng cầu nối vững chắc hơn, có nhiều chương trình hợp tác cụ thể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những nội dung xoay quanh các ưu đãi trong CPTPP để cộng đồng doanh nghiệp hai nước có thể nắm được thông tin, quy định của thị trường hai nước, thúc đẩy việc hợp tác giao thương bền chặt và có hiệu quả.
Mặc dù tiềm năng hợp tác còn rất lớn, tuy nhiên, ông Ley Sergio, Giám đốc khu vực châu Á của COMCE cho biết, sự tồn tại của việc gia tăng thương mại thông qua các công ty của các nước thứ ba đã tác động tiêu cực đến định lượng và chất lượng mối quan hệ thương mại song phương.
Cụ thể, năm 2018, gần 80% giá trị tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Mexico vào thị trường Việt Nam được thực hiện qua nước thứ ba, tình trạng tương tự cũng xảy ra với hàng nhập khẩu Việt Nam vào Mexico khi 49,3% tổng số hàng hóa từ Việt Nam vào Mexico thông qua các nước thứ ba.
Do đó, Hiệp định CPTPP là một cơ hội lịch sử để khai thác toàn bộ tiềm năng trong quan hệ song phương.
Để đưa việc hợp tác đi vào chiều sâu, ông Ley Sergio cho rằng, hai bên cùng xác định cơ hội kinh doanh cho các sản phẩm mới và các ngành kinh tế; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy quan hệ.
Mexico hiện là nhà xuất khẩu lương thực thứ 11 trên thế giới, với nhiều mặt hàng nông nghiệp tiềm năng như thịt bò, thịt lợn, quả bơ, cà chua, các loại quả mọng (berry… Chính vì vậy, ông Ley Sergio đề nghị Việt Nam cần hợp lý hóa các quy trình kiểm dịch để tạo điều kiện cho nông sản Mexico tiếp cận thị trường Việt Nam.
"Việt Nam và Mexico cần nhanh chóng đàm phán đi đến ký kết Thỏa thuận Hợp tác Hải quan, yếu tố cần thiết để tăng cường các thủ tục hải quan và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp", Giám đốc khu vực châu Á của COMCE nhấn mạnh.
Mexico là cầu nối giữa Bắc Mỹ, Mỹ La tinh và Caribe, điều đó giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm đáng kể các chi phí hậu cần, vận chuyển và lưu kho các sản phẩm cho các thị trường trên. Bên cạnh đó, sự gần gũi với Mỹ thông qua Hiệp định USMCA cũng là một lợi thế để hàng hóa từ các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam tiếp cận thị trường này trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Ông Ley Sergio kỳ vọng, thông qua việc hợp tác với VCCI, các doanh nghiệp Mexico sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cạnh tranh nhất vào thị trường Việt Nam; đồng thời giúp doanh nghiệp hai bên có môi trường giao thương lành mạnh, cạnh tranh và an toàn trong thời gian tới.