Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?

GIA NGUYỄN 25/06/2020 06:30

Không chỉ bộc lộ hàng loạt “lỗ hổng”, các dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) còn gây ra những thất thoát lớn, khiến người dân và ngân sách đã và đang phải hứng chịu…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, 20 năm tồn tại, các dự án, công trình được thực hiện theo hình thức BT đã cho thấy hàng loạt “lỗ hổng” từ quy hoạch đến quản lý, nguyên nhân trên, không chỉ gây ra thực trạng chậm tiến độ mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là thất thoát tài chính. Câu chuyện “trăm dâu đổ đầu tằm” bao đời nay vẫn thế, các cơ quan quản lý chẳng ai sai(?), thiệt hại chỉ người dân và ngân sách hứng chịu.

Mới đây, theo kết quả kiểm toán 29 dự án BT tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và chỉ ra nhiều sai sót, đặc biệt, kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, đây là con số xuất phát từ những sai sót tại các dự án BT.

Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ ra, Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất

Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ ra, Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất

Theo đó, hầu hết các dự án BT được kiểm toán đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, như Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai.

Cụ thể, Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên, sau kiểm toán đã giảm 69 tỷ đồng so với dự toán, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm tới 754 tỷ đồng; Còn dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm tới 251 tỷ đồng.

Bên cạnh những thực tế trên, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra có địa phương phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Và Thanh Hóa là một ví dụ, địa phương này phê duyệt diện tích, giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT tới 875 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất theo diện tích đất giao thực tế vượt giá trị dự án BT tới 735 tỷ đồng.

Ngoài ra, có địa phương ký hợp đồng chưa đúng quy định, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, như tại dự án hệ thống tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Quyết định dự kiến giao quỹ đất thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư với giá trị 1.100 tỷ đồng (tính theo đơn giá 459.000 đồng/m2) để thanh toán cho hợp đồng BT với giá trị 312 tỷ đồng là chưa đảm bảo nguyên tắc ngang giá theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg…

Tại Hà Nội, nhiều dự án BT có tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế...

Tại Hà Nội, nhiều dự án BT có tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế...

Không chỉ Kiểm toán Nhà nước, trước đó, tháng 6/2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã từng chỉ mặt điểm tên hàng loạt dự án được xây dựng theo hình thức BT tại kết luận thanh tra số 1422/KL-TTCP.

Tại thời điểm thanh tra như đã nêu, 15 dự án BT thì chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, còn lại 14 dự án là chỉ định thầu; TP. Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Trong đó, một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án trong khi năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực như Công ty Cổ phần Tasco, dù năng lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương.

Gần đây, nhận xét về các loại hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đã liệt kê những điểm mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn của các dự án BT, đó là việc chủ đầu tư được giành quyền chủ động dẫn dắt cuộc chơi do các dự án BT hầu hết đều được chỉ định thầu và dễ “bắt tay” thương lượng với cơ quan quản lý, từ lựa chọn dự án, xác định tổng mức đầu tư, thực hiện và quyết toán dự án. Hơn nữa, việc giám sát chất lượng công trình BT, dù áp dụng như với dự án đầu tư công, nhưng khá lỏng lẻo do doanh nghiệp tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn,...

Và theo Kiểm toán Nhà nước, nếu các dự án BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, đè nặng lên người dân và ngân sách Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 1): Vẫn còn nhiều bất cập, hệ lụy…

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 1): Vẫn còn nhiều bất cập, hệ lụy…

    05:10, 22/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?

    05:30, 24/06/2020

  • “Siết chặt” quản lý học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện

    “Siết chặt” quản lý học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện

    15:50, 23/06/2020

GIA NGUYỄN