Bồi thường án oan đã “tương xứng”?
Bồi thường án oan sai nhiều năm trở lại đây đã trở thành vấn đề nóng khiến dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó, giá trị bồi thường không thỏa đáng đã đẩy không ít doanh nhân đến bờ vực phá sản.
Thực tế hiện nay, việc bồi thường kinh tế cho các vụ án oan sai không phải hiếm, tuy nhiên, giá trị bồi thường vẫn chưa “tương xứng” với thiệt hại người bị oan sai đã phải hứng chịu, đặc biệt là những vụ án kinh tế liên quan đến doanh nghiệp... Ngoài danh dự, tinh thần, sức khỏe,… thì những hệ lụy từ việc oan sai còn khiến không ít doanh nghiệp, doanh nhân từ điểm thành công đứng bên bờ vực phá sản, thậm chí trắng tay.
10 năm oan sai, nhận lại… 281 triệu đồng(?)
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục nóng lên bởi hiện trạng, người bị kết án oan sai được bồi thường thiệt hại chưa “tương xứng”, trong rất nhiều vụ việc bồi thường oan sai những năm gần đây, vụ việc của Cựu chiến binh Dương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Thuận Thành (SN 1957, ngụ khu phố 3, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), là một ví dụ...
18 tháng tù giam là bản án dành cho nguyên Giám đốc Dương Văn Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”, sau 10 năm đi tìm công lý, oan sai được giải nhưng những thiệt hại ông đã trải qua vẫn chưa được đền bù thỏa đáng. Cả cơ ngơi doanh nghiệp ông xây dựng, từ chỗ đứng trên thị trường, uy tín với đối tác, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 100 lao động,… nay trở về ông chỉ còn mỗi cây cuốc trên tay với ít cây giống trên diện tích trang trại cũ doanh nghiệp ông sở hữu.
Tại phiên phúc thẩm ngày 11/11/2019, liên quan đến việc đòi bồi thường gần 18 tỉ đồng của nguyên đơn Dương Văn Hòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hòa, buộc Viện KSND tỉnh Quảng Trị bồi thường số tiền gần 281 triệu đồng, trong đó tiền tổn thất tinh thần là hơn 249 triệu đồng, các chi phí khác khoảng 32 triệu đồng.
"Từ chủ một doanh nghiệp, tôi mất trắng hết. Cơ quan tố tụng hướng dẫn tôi thống kê thiệt hại để yêu cầu bồi thường oan sai. Tôi thống kê mình bị thiệt hại gần 18 tỉ đồng nhưng Viện KSND tỉnh Quảng Trị chỉ công nhận có 281 triệu đồng. Bồi thường thế thì có chịu nổi không?" - ông Hòa phẫn uất nói.
Cơ sở nào tính toán?
Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân – Công ty Luật TNHH Hà Việt, việc áp dụng bồi thường án oan sai hiện nay được quy định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, ngoài thiệt hại do tổn thất về tinh thần, còn thiệt hại về sức khỏe, thu nhập bị mất, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm,…
Căn cứ trên nội dung vụ việc cơ quan báo chí đề cập, việc ông Dương Văn Hòa yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị giải quyết bồi thường là yêu cầu bồi thường hoàn toàn độc lập, không liên quan đến việc thụ lý, giải quyết của VKSND tỉnh thì căn cứ khoản 2 Điều 78 Luật TNBTCNN năm 2017 để áp dụng giải quyết yêu cầu bồi thường của cho ông Hòa hoàn toàn có cơ sở và cần được xem xét.
“Để áp dụng bồi thường đối với trường hợp của ông Hòa thì tính số ngày bị khởi tố oan nhân với mức lương cơ sở, sẽ ra số tiền VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần. Chưa kể, do ông Hòa bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên doanh nghiệp của ông bị thiệt hại cũng cần phải thống kê để bồi thường cho thỏa đáng”, Luật sư Luân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Rào cản” thu hút đầu tư
04:50, 17/06/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: Muôn vàn hệ lụy xấu!
11:05, 15/06/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: Một số bài học… nhãn tiền
05:20, 14/06/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: Đi “ngược” cam kết của Chính phủ?
05:30, 11/06/2020
Hình sự hóa quan hệ hành chính kinh tế: Nghịch lý - “Mẹ vợ vay tiền, con rể đi tù”?
11:10, 22/01/2019