Chuyện “phạt” để “hợp thức hóa” sai phạm bao giờ chấm dứt?
Thực trạng việc “phạt để tồn tại” tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có tính chất xâm hại rất lớn đến luật pháp, tới sự nghiêm minh của pháp luật.
Đặc biệt, hệ quả của nó sẽ làm hư hỏng cả bộ máy cán bộ, là nguyên nhân của tệ nạn hối lộ và tham nhũng…
Pháp luật không cho phép “tồn tại”
Đó là ý kiến của ĐBQH Dương Trung Quốc khi chất vấn về “một lộ trình để chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại”. Và cũng tại phiên họp để lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng diễn ra hồi cuối năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề về những công trình vi phạm, đặc biệt là các công trình sai phép, không giấy phép tồn tại suốt thời gian dài nhưng chậm được xử lý hoặc phạt cho tồn tại.
"Đề nghị đánh giá rõ thực trạng này. Tại sao cứ người dân đổ đống gạch, đống cát nhỏ là có người đến ngay, nhưng những công trình đồ sộ sai phạm rõ thì lại không thấy người có trách nhiệm ở đâu?" - bà Nga nói.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận "những tồn tại, bức xúc mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói về lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng. Đối với việc có phạt cho tồn tại hay không, ông Hà khẳng định: "Theo nghị định 139 thì từ 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa".
Người đứng đầu ngành xây dựng đã có những “tuyên bố” khẳng định sự quyết liệt xử lý sai phạm đến là vậy, nhưng trên thực tế hiện nay, chuyện xử lý sai phạm bằng cách “phạt” rồi “hợp thức hóa” tại nhiều địa phương vẫn cứ ngang nhiên diễn ra.
Thực tế vẫn diễn ra
Điển hình là dự án Nhà máy may Thagaco Đại Từ bị UBND huyện ra quyết định xử phạt vì chưa được cấp phép xây dựng, thế nhưng không lâu sau đó, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Quyết định nhằm “hợp thức hóa” sai phạm của doanh nghiệp này.
Theo đó, ngày 15/01/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 107/QĐ-UBND đồng ý chủ trương thực hiện dự án Nhà máy may Thagaco Đại Từ tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên của Công ty CP đầu tư quốc tế Thagaco, với tiến độ dự kiến thực hiện từ tháng 10/2018 tới tháng 7/2019 sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tháng 08/2019 động thổ khởi công xây dựng, tháng 1- tháng 2/2020 hoàn thành, khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, dự án này đã được Thagaco hoàn thành rất sớm, thậm chí là trước cả thời hạn khởi công theo quyết định của UBND tỉnh.
Mặc dù đã hoàn thiện hầu hết các hạng mục, nhưng thời điểm triển khai, dự án chưa được các cơ quan chức năng cấp phép về xây dựng, phương án bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường.
Thậm chí, tại Quyết định số 1770/QĐ-UBND ban hành ngày 26/06/2019 về việc phê duyệt chuyển tiếp, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thì dự án nhà máy Thagaco còn không nằm trong bất kỳ kế hoạch sử dụng đất nào của địa phương.
Và tới cuối tháng 6/2019, dự án vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Sau đó, UBND huyện Đại Từ đã ban hành quyết định số 3984/QĐ-XPVPHC ngày 01/07/2019 về xử phạt vi phạm hành 50 triệu đồng và buộc doanh nghiệp này phải khôi phục hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 03/01/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND cho phép Công ty CP đầu tư quốc tế Thagaco được chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà máy may Thagaco Đại Từ đối với diện tích 23.075m2 đất trong tổng số 27.868m2 Công ty đã nhận chuyển nhượng từ các hộ gia đình, cá nhân tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ.
UBND tỉnh cũng cho phép Công ty Thagaco được thuê 25.915,0m2 đất tại xã Bản Ngoại, bao gồm 23.075m2 đất cho phép chuyển mục đích sử dụng và diện tích 2.840,0m2 đã được UBND huyện Đại Từ thu hồi, để sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà máy may Thagaco Đại Từ.
Thời hạn sử dụng đất đến ngày 15/01/2069, trả tiền thuê đất hàng năm. Như vậy, từ một dự án sai phạm buộc phải tháo dỡ, chỉ với một quyết định, UBND tỉnh Thái Nguyên đã "hợp thức hóa" cho toàn bộ dự án của Công ty Thagaco.
Trên thực tế, chuyện “phạt cho tồn tại” không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng cái tiền lệ xấu ấy đã tạo ra những bất ổn, bất bình đẳng, cùng nhiều hệ lụy, gây ra những bức xúc trong xã hội. Và song song đó là lãng phí tiền của, bởi dẫu là sai thì việc xây lên, rồi phạt, rồi tồn tại, hay dỡ, hay đập phá... thì ngẫm ra, đó cũng là tiền bạc, là của cải xã hội.
Có thể bạn quan tâm