Bất chấp pháp luật khi tự ý lấn chiếm hàng chục nghìn m2, xây dựng nhiều công trình sai phép, nhưng thay vì quyết liệt xử lý sai phạm thì chính quyền địa phương lại “ưu ái” đề xuất "hợp thức hóa”...
Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, mỗi năm, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Giai đoạn trước năm 2014, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về việc quản lý và cấp phép chưa được hoàn thiện, nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng hoặc không phép hoặc sai phép có xảy ra theo cơ chế “xin – cho”, nhiều công trình vi phạm khó xử lý.
"Sau khi đã có cơ sở pháp lý hoàn thiện, việc xử lý vi phạm tại những công trình xây dựng đã có chế tài và phương pháp xử lý rõ ràng, nên số lượng các công trình vi phạm đã giảm đi đáng kể, nhưng vẫn còn xảy ra những vi phạm cả ở công trình nhỏ và các dự án lớn", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhìn nhận.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế “xin – cho” trong công tác quy hoạch, xây dựng không chỉ gây nhức nhối cho xã hội từ trước thời điểm điều chỉnh Luật Xây dựng năm 2014, mà hiện vẫn đang tồn tại, dù có giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, nếu không sớm chấm dứt tình trạng này, những vi phạm về trật tự xây dựng sẽ còn diễn biến phức tạp.
Điển hình là cuối năm 2019, dư luận cả nước không khỏi “ngạc nhiên” về việc cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thanh tra rồi sau đó lại đề xuất hợp thức hóa cho sai phạm của chủ đầu tư khi ngang nhiên lấn chiếm hàng chục nghìn m2 hồ Đại Lải, dư luận không khỏi bức xúc và hoài nghi, có hay không cơ chế “xin – cho” tại tỉnh này?
Đó là dự án khu du lịch Đảo Ngọc (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với chủ đầu tư là Công ty TNHH Đạt Tiến (Cty Đạt Tiến - PV). Theo đó, tại quyết định 3931 được phê duyệt thì Cty Đạt Tiến được giao 37.080m2 đất để thực hiện dự án với tổng mức đầu tư hơn 19,6 tỷ đồng. Sau các lần điều chỉnh quy hoạch, dự án này có các khu: Sinh hoạt văn hóa lễ hội; Dịch vụ khách sạn; Cây xanh; Biệt thự nghỉ dưỡng; Khu dịch vụ phân tán…
Đáng nói, chủ dự án này đã tự ý cơi nới, sử dụng bất hợp pháp trên 1,5 ha quanh khu đất được giao. Ngoài việc xây dựng: Chùa (720 m2); Nhà đón tiếp (300 m2); Nhà hàng ẩm thực dân tộc; Nhà dịch vụ bể bơi; Bar- Cafe- Karaoke… Cty Đạt Tiến còn tiến hành san gạt, đóng cọc vào phần diện tích bán ngập (phần đất nằm giữa diện tích đất được giao với diện tích mặt hồ Đại Lải có cao độ dưới 20,5cm). Với việc san gạt lấn chiếm này, chủ đầu tư dự án khu du lịch Đảo Ngọc đã cơi nới cho dự án có diện tích lên tới hơn 52.600m2. So với diện tích hợp pháp được giao 37.080m2 thì chủ đầu tư dự án đã sử dụng bất hợp pháp hơn 15.000m2.
Trước bức xúc của người dân, dư luận, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1407 đề nghị Sở TN&MT Vĩnh Phúc kiểm tra làm rõ. Tới cuối năm 2018, Sở TN&MT Vĩnh Phúc có QĐ 537 về việc Kiểm tra chấp hành pháp luật về TN&MT đối với Cty Đạt Tiến khi thực hiện dự án khu du lịch Đảo Ngọc.
Tại kết luận kiểm tra, ông Hoàng Văn Đăng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc ký đã khẳng định: “Cty Đạt Tiến đã tự ý san lấp, đóng cọc, đắp nền phần diện tích bán ngập với diện tích hơn 15.000m2 để trồng cây, làm vườn, đường dạo xung quanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật”.
Điều đáng nói, dù xác định được hành vi vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư dự án, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại đề xuất hợp thức hóa cho sai phạm này.
Theo đó, sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Việc buộc khôi phục lại hiện trạng như ban đầu là khó khăn, gây thiệt hại cho Cty Đạt Tiến”. Sở TN&MT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh này hợp pháp hóa cho chủ dự án bằng cách: “Cho phép Cty Đạt Tiến được lập hồ sơ xin giao, cho thuê bổ sung phần diện tích hơn 15.000m2” (?!).
Và từ đó, dư luận bắt đầu “nóng”, nghi vấn về việc có tồn tại cơ chế “xin – cho” tại tỉnh này dường như “đậm nét” hơn, đồng thời sự hoài nghi có nhóm “lợi ích” cũng rõ ràng hơn…
Theo một diễn biến khác, tại kết luận kiểm tra mới đây của Tổng cục Thủy lợi đã cho thấy hàng loạt vi phạm cùng nhiều vấn đề bất cập xuất phát từ những quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối với các dự án ven hồ Đại Lải.
Mặc dù, từ những sai phạm được phát hiện, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp đang thi công đào đất, san lấp mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải. Rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại, lấn chiếm đất trong phạm vi lòng hồ…
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi hoài nghi cho rằng, liệu chăng, Vĩnh Phúc có xử lý sai phạm kiểu “đánh trống bỏ dùi”? và để rồi “đâu vẫn hoàn đó”, bởi cách thức xử lý sai phạm bằng “hợp thức hóa” mà địa phương này áp dụng nhiều lần là những minh chứng rõ ràng nhất(?!)
Có thể bạn quan tâm
06:20, 06/04/2020
05:30, 07/06/2020
05:30, 09/06/2020
12:05, 22/06/2020
13:50, 09/06/2020