Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 5): “Xóa bàn cờ chơi lại”?
Không thể phủ nhận hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng, tuy nhiên, hậu “khai tử”, hệ lụy, bất cập đã tồn tại, liệu có được bỏ qua?
Trong loạt bài viết vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập tới vấn đề hậu “khai tử” dự án, công trình được thực hiện theo hình thức BT, trong đó, nhiều bất cập, hệ lụy vẫn đang tồn tại, đáng nói, đây là vấn đề không phải mới, nhất là khi Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trong nhiều cuộc kiểm toán, thanh tra thời gian qua. Thế nhưng, có một thực tế, những bất cập, hệ lụy được cho là có dấu hiệu lợi ích nhóm vẫn nghiễm nhiên tồn tại.
Vậy, “khai tử” các dự án, công trình được thực hiện theo hình thức BT, có cần “xóa bàn cờ chơi lại”? Những hệ lụy, thực tế đã và đang diễn ra, ai là người chịu trách nhiệm? Xử lý từ đâu?...
Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, nhu cầu vốn cho phát triển ở Việt Nam rất lớn, hình thức hợp đồng xây dựng theo hình thức BT được coi là một sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án BT còn tồn tại hàng loạt hạn chế, thậm chí có sự biến tướng trở thành mảnh đất “màu mỡ” của tệ tham nhũng, lợi ích nhóm,… Xuất phát từ việc hầu hết các dự án BT đều là dự án, công trình được chỉ định thầu thay vì đấu giá công khai, minh bạch,… Vậy nên, đã có sự “thổi giá” dự toán cao hơn nhiều thực tế xây dựng.
Ngoài những vấn đề đã nêu, trên thực tế, theo quy định, địa phương giao đất, cho thuê đất, để thanh toán cho nhà đầu tư trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án BT, thanh toán cho nhà đầu tư đồng thời hoặc sau khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình dự án BT thì giá đất quy định được xác định tại thời điểm giao đất nhưng giá trị công trình BT lại được xác định tại thời điểm quyết toán công trình(?).
Vậy nên, hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình, có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình. Điều này, khiến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư và thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, việc thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế GTGT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh. Đây là điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp gian lận thuế, không kê khai thuế GTGT do thuế này được đối trừ trực tiếp vào giá trị đất.
Trong khi đó, quy định về phương án tài chính yêu cầu, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10% hoặc 15% tổng vốn đầu tư, phần vốn còn lại là vốn đầu tư của nhà nước hoặc vốn vay huy động của nhà đầu tư. Như vậy, thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước đi vay, điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Những thực trạng đã nêu xuất phát từ đâu? Phải chăng, hành lang pháp lý vẫn còn nhiều chồng chéo, chưa thực sự khả thi? Hay quy trình quản lý, quy định giám sát còn nhiều “khoảng trống”?
Thông tin về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN cho biết: Luật Đất đai năm 2013 chỉ có Khoản 3 Điều 155 quy định về việc nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án, ngoài ra không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
"Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định thi hành chi tiết Luật Đất đai có riêng Điều 54, quy định về đất thực hiện dự án BT và BOT. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ quy định về việc nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không hề có quy định gì về loại đất đem đổi và xác định giá trị đất đai đem đổi.
Vậy nên, đang tồn tại một khoảng trống pháp lý rất lớn về dự án BT tại Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn Luật này, trong khi nhiều văn bản khác về BT lại quy chiếu về việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013" – Luật sư Hiệp nói.
Cũng theo Luật sư Hiệp, việc Quốc hội tán thành “khai tử” các dự án thực hiện theo hình thức BT là một quyết sách hoàn toàn đúng, thế nhưng, việc bỏ không áp dụng hình thức này trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), không có nghĩa những bất cập, hệ lụy đã và đang tồn tại sẽ không phải xử lý.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ thông tin chi tiết vào từng dự án, mời độc giả đón đọc!
Có thể bạn quan tâm
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 1): Vẫn còn nhiều bất cập, hệ lụy…
05:10, 22/06/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?
05:30, 24/06/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?
06:30, 25/06/2020
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 4): Có hay không lợi ích nhóm?
06:05, 26/06/2020