Công trình thủy lợi chất lượng kém - Nguyên nhân chỉ là… “ngụy biện”?
Công trình mới làm xong đã hỏng, không còn là chuyện lạ… Thế nhưng, bằng hàng loạt nguyên nhân hết “trời lại đất”, những “lỗ hổng” về chất lượng cứ mặc nhiên xuất hiện, ngày một dày hơn…
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục “dậy sóng” bởi hàng loạt những công trình thủy lợi “khủng” chưa dùng đã hỏng, mọi tác nhân đều được nhà thầu chỉ ra, từ yếu tố khách quan như thời tiết, địa chất không đảm bảo,… nhưng, có một nguyên tắc trong thi công xây dựng, nếu không đảm bảo chất lượng thì phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu để thanh toán chi phí, hầu hết bị “bỏ quên”, các công trình kém chất lượng cứ như thế được “lọt qua” và đưa vào sử dụng.
Thực tế, hết dự án tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (được xây dựng theo hình thức BT) tại Cà Mau, cho đến dự án tuyến đường đê 145 tỉ đồng tại Bắc Giang, rồi tuyến kênh hơn 750 tỉ đồng tại Nghệ An, và mới nhất là công trình thủy lợi có tổng vốn đầu tư 119 tỉ đồng tại tỉnh Gia Lai,… hầu hết các công trình đều rơi vào trường hợp vừa làm xong, chưa nghiệm thu đã xảy ra hư hỏng… khiến dư luận vô cùng quan ngại.
Như tại dự án kênh tưới tiêu Châu Bình, thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành hơn 98% các hạng mục, chưa đưa vào sử dụng đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt ngày 09/10/2012 với chiều dài hơn 10 km đi qua hai xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) và xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với tổng mức đầu tư hơn 750 tỉ đồng.
Hay, dự án công trình thủy lợi mới đây nhất tại tỉnh Gia Lai, được UBND tỉnh ký phê duyệt đầu tư từ năm 2017 là công trình thủy lợi cấp IV, với tổng mức đầu tư tổng cộng 119 tỉ đồng, thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, mặc dù công trình đã hoàn thiện, vẫn chưa thể đưa vào sử dụng bởi một số hạng mục bị hư hỏng nặng, đặc biệt là hệ thống kênh dẫn nước.
Như ghi nhận của các cơ quan báo chí, tại đoạn giao nhau giữa hệ thống kênh dẫn chính với hệ thống ống dẫn có nhiều vết nứt rộng toác, nhiều tấm đan trên hệ thống kênh bị vỡ, nhiều đoạn không có tấm đan, thậm chí chắp nối bằng những thanh gỗ cùng một số vị trí, vết nứt đã được vá bằng xi măng…
Theo các chuyên gia xây dựng, trách nhiệm của các bên liên quan về chất lượng công trình đã được nêu rõ tại Điều 4, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP gồm: nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình..., chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.
Tuy nhiên, khi công trình hư hỏng, xuống cấp, chất lượng công trình lại bị đổ dồn cho những “lỗi khách quan”, còn trách nhiệm, không ai phải chịu! Có chăng, chính từ “lỗ hổng” này mà các sai phạm về chất lượng công trình, cứ liên tục tái diễn?.
Và, cũng từ thực trạng đã nêu, bấy lâu nay, câu chuyện “làm giả ăn thật” được nhắc đến rất nhiều, trong đó, đấu thầu đang được cho là khâu đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất cho chất lượng các công trình, bởi, đơn vị trúng thầu hiện nay, nhiều khi không nhờ vào năng lực mà chỉ cần giỏi quan hệ, chạy chọt, chung chi… khiến ngân sách Nhà nước không ngừng “chảy máu”;
Vấn đề cốt lõi nhất phía sau câu chuyện này, không chỉ riêng tài chính, kinh tế bị ảnh hưởng, mà từ chất lượng một công trình “kém”, sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy tiềm ẩn liên quan đến tính mạng của người đi đường, người sử dụng và cả những người sinh sống ở xung quanh công trình.
Một nhà thầu với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội chia sẻ, nếu muốn có một công trình chất lượng tốt, phục vụ lâu dài thì cần phải xem lại khâu quản lý, đầu tiên là lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu minh bạch, có cơ chế kiểm tra chéo năng lực, kế đến là đội ngũ giám sát, phải gắn trách nhiệm liên đới nếu công trình hư hỏng để tạo tính khách quan, rồi mới đến thành phần nghiệm thu cũng tương tự, song song với đó là kéo dài thời gian chịu trách nhiệm của nhà thầu.
Vậy, thực trạng trên, vì đâu nên nỗi? Việc chất lượng công trình “kém” lại đổ đầu “thiên – địa”, liệu còn hợp lý? “Lỗ hổng” thực sự từ đâu?
Thông tin trên báo chí, PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một số dự án xảy ra hư hỏng là do còn kém trong nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là việc tư vấn thiết kế công trình còn nhiều hạn chế, trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án, công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn…
Còn, theo chuyên gia kinh tế - Ngô Trí Long, việc chủ đầu tư cho rằng, sự cố có nguyên nhân từ việc hạn chế kinh phí trong quá trình khảo sát, thiết kế dự án hoặc do điều kiện tự nhiên như mưa nhiều, đó chỉ là sự ngụy biện.
Có thể bạn quan tâm