Kinh doanh vận tải, có cần “gánh” nhiều tầng quản lý?
Biển số, tem kiểm định, phù hiệu kinh doanh,… mới đây, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) còn đưa chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải vào quản lý, liệu có cần?
Nhiều chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành nên bàn bạc để thống nhất đưa tất cả các thủ tục quản lý xe kinh doanh vận tải về một đầu mối, nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt, tránh phát sinh thêm các chi phí không cần thiết.
Theo quy định hiện hành, một chiếc xe đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải, phải gắn phù hiệu như xe hợp đồng, xe taxi hay xe cố định theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, đồng thời, phải mang biển số màu vàng được quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA do Bộ Công an quản lý, song song với đó, cũng phải dán tem đăng kiểm được quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT do Cục Đăng kiểm quản lý.
Chưa kể đến, mới đây, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bên cạnh quy trình sát hạch, thi, cấp bằng lái xe được chuyển giao sang Bộ Công an được quy định tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) lại đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải cần được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải, liệu có chồng chéo, tạo gánh nặng?
Điều 103, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 31/5/2020 quy định, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô chỉ cấp cho người có giấy phép lái xe (các hạng B, C1, C, D1, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE) để lái xe kinh doanh vận tải, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.
Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp và không còn giá trị sử dụng trong thời gian chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng, việc kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng.
Liệu hoạt động kinh doanh vận tải có nhất thiết phải “gánh” thêm nhiều tầng quản lý? Các thủ tục liệu có cần thiết? Hay chỉ phát sinh thêm chi phí cho người dân, doanh nghiệp?
Về vấn đề này, trong văn bản góp ý Dự thảo Luật gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Chứng chỉ hành nghề lái xe là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc bởi sẽ làm tăng thủ tục xin – cho không cần thiết, nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo giấy phép lái xe…
Bên cạnh đó, theo quan điểm của VCCI: “Yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Đề nghị bỏ quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề”.
Thông tin với cơ quan báo chí, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cũng đồng quan điểm với VCCI: “Nhiều trường hợp chứng chỉ mang tính hình thức hơn là thực chất và thực tế là để đối phó hơn là để bảo đảm tính an toàn cho người được cấp chứng chỉ đó. Quan điểm của chúng tôi là đề nghị bỏ, vì chứng chỉ này có thời hạn, hết thời hạn lại phải xin lại, lại thêm thủ tục hành chính và lại thêm một quá trình kèm theo”.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ chuyển đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an
15:48, 16/09/2020
Đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe: Bộ Công an phụ trách, có khách quan?
04:20, 16/09/2020
Đào tạo, cấp giấy phép lái xe: Có cần thay đổi cơ quan quản lý?
05:00, 08/08/2020
Đổi giấy phép lái xe mất bao nhiêu thời gian?
20:57, 10/07/2020