Xoay quanh câu chuyện chuyển cơ quan phụ trách đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), không ít ý kiến cho rằng khó đảm bảo khách quan, đặc biệt khi Bộ Công an “vừa đá bóng vừa thổi còi”…
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục có nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất chuyển đổi cơ quan phụ trách đào tạo, sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) sang Bộ Công an, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi này là không cần thiết, thiếu khách quan… Đặc biệt, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/9, Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trong đó, bỏ các quy định về cấp, đổi, thu hồi GPLX.
Cụ thể, về phần "Quản lý Nhà nước về GTVT" sẽ bỏ quy định đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ,... sẽ không được quy định trong Dự thảo Luật mới.
Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đề xuất chuyển quyền đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về, dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 16/9.
Vậy, cuộc chuyển giao này liệu có cần thiết? Trong khi, liên quan đến quản lý Nhà nước, mỗi đơn vị đều thực hiện một chức năng riêng, giao toàn bộ về một chỗ, liệu có được khách quan?
Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông từng có thời gian công tác tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: Bộ Công an đang nắm quyền giám sát, xử phạt vi phạm giao thông trên đường, nếu như đề xuất của cơ quan này được thông qua, Bộ Công an gần như nắm quyền xuyên suốt từ quá trình đào tạo, cấp bằng đến xử phạt lái xe trên đường. Khi đó, sẽ có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ như, việc thay đổi đơn vị phụ trách đào tạo, cấp GPLX có đi đôi với nâng cao chất lượng lái xe và tránh được tiêu cực không? Bộ Công an muốn phụ trách liệu có đảm bảo và cam kết sẽ làm tốt hơn Bộ GTVT, sẽ không để xảy ra tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX không?...
“Điều quan trọng nhất, sau khi toàn bộ dây chuyền từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm tra vi phạm trên đường đều trở về Bộ Công an, cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, giám sát Bộ Công an? Thay đổi cơ quan phụ trách có giúp thay đổi chất lượng lái xe hay không vẫn cần kiểm chứng nhưng có một điều chắc chắn sẽ phát sinh nhiều thủ tục và chi phí tốn kém” – TS. Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Cũng liên quan đến việc chuyển giao quyền lực, đào tạo, cấp, đổi GPLX, chuyên gia Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng đề xuất: thay vì thực hiện theo đề xuất của Bộ Công an, tại sao không làm ngược lại, tức là chuyển lực lượng CSGT về Bộ GTVT đồng thời vẫn giữ nguyên mọi quyền hạn của lực lượng này như hiện tại.
“Khi đó vẫn sẽ bảo đảm trật tự, ATGT quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh lý giải.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, việc chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ Công an trước đây về Bộ GTVT, giờ lại chuyển về Bộ Công an là cách làm “vòng quanh” nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả và cũng thiếu cơ sở khoa học thuyết phục. Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt vi phạm trên đường..., các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao mà không cần phải chuyển cơ quan phụ trách
Đánh giá về đề xuất chuyển giao công tác đào tạo, cấp, đổi GPLX, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Quyền cũng nhận định: "Quy trình hiện nay rất rõ ràng, ngành GTVT quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu và có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn”.
Và chính tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/9, sau khi nghe Bộ trưởng, Bộ GTVT trình bày về nội dung Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đặc biệt, là vấn đề tách luật ra làm hai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Lê Thị Nga cho rằng, không nên tách ra thành hai luật để đảm bảo kết cấu tổng thể, trong đó, luật nên phân công trách nhiệm từng Bộ, ngành, thay vì tách ra thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, bởi đây là một tổng thể thống nhất, một kết cấu khó có thể tách rời.
Có thể bạn quan tâm
Đào tạo, cấp giấy phép lái xe: Có cần thay đổi cơ quan quản lý?
05:00, 08/08/2020
Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
05:06, 21/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Phân loại bằng lái mới để... hội nhập quốc tế?
05:05, 08/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Nhiều chồng chéo, lắm bất cập
05:40, 06/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng
06:28, 30/06/2020