Từ bộ sách Cánh diều tới vụ trường Đông Đô: “Lỗ hổng” quản lý của Bộ Giáo dục
Được đánh giá là nền tảng cho sự phát triển của đất nước, thế nhưng, thời gian qua, ngành Giáo dục lại liên tục dính vào “bê bối”, khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi: “Lỗ hổng” nào đang tồn tại?
Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi quan ngại trước hàng loạt “bê bối” ngành Giáo dục đang gặp phải, đáng nói, từ bộ sách giáo khoa (SGK) Cánh diều đến việc quản lý hoạt động đào tạo, cấp bằng “chui” tại trường Đại học Đông Đô, trách nhiệm đều thuộc về công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), thế nhưng, trên thực tế, “lỗ hổng” này xuất phát từ đâu?
Thực tế, SGK tiếng Việt lớp 1 – bộ sách Cánh diều, từ một bộ SGK được đặt nhiều kỳ vọng, với nhiều lời “có cánh” từ thầy Tổng chủ biên – Nguyễn Minh Thuyết: bộ sách vừa kế thừa vừa đổi mới so với SGK hiện hành nên các thầy cô, các trường vừa thấy dễ thực hiện, vừa thấy được triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục của môn học… tuy nhiên, mới chỉ 5 tuần học trôi qua, bộ sách này đã nhận lại hàng loạt sự phản ứng từ phụ huynh, thậm chỉ cả các chuyên gia vì tồn tại quá nhiều "hạt sạn" được cho là "ngô nghê đến lệch lạc".
Nguyên nhân từ đâu? Thông tin với báo chí chuyên gia giáo dục - TS Lê Thống Nhất cho biết: khi có chủ trương xã hội hóa SGK, thì việc dạy thử nghiệm chỉ diễn ra ở một vài nơi và do chính nhóm tác giả, nhà xuất bản tổ chức, trong khi đó, SGK năm 2000 được Bộ GD&ĐT đưa thực nghiệm 2 năm mới đưa vào giảng dạy đại trà.
Như vậy, “thất bại” ở bộ SGK này xuất phát từ sự vội vàng, thiếu thực nghiệm, đã dẫn tới những phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội, và đây cũng chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt “bê bối” liên quan, đặc biệt, không ít dấu hỏi lớn về mặt chuyên môn được đặt ra với hội đồng thẩm định.
SGK là như vậy, trách nhiệm vẫn có thể “đẩy” tại nhiều nguyên nhân, từ khách quan đến chủ quan,… thế nhưng, đến vụ việc đào tạo, cấp bằng “chui” tại trường Đại học Đông Đô, liệu trách nhiệm còn được đá vòng quanh như vậy?
Theo đó, kết luận của cơ quan điều tra mới đây cho thấy, dù Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015, các đơn vị của Bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó, có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Hậu quả, trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong số này có 193 trường hợp được cấp bằng không qua thi tuyển hoặc đào tạo, và không đủ điều kiện để cấp bằng.
Đáng chú ý, trong số 193 trường hợp được cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng, trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Vậy, hệ lụy này xuất phát từ đâu? Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xác định, vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường đại học Đông Đô có sự “tiếp tay” của một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó phải kể đến Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục Đại học.
Thông tin với báo chí, PGS Bùi Văn Nhơn - nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, Bộ GD&ĐT buông lỏng quản lý, để một số cá nhân cấp dưới “qua mặt”.
Theo ông Nhơn, Đại học Đông Đô dù chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng trên cổng thông tin của Bộ lại đăng tải thông tin, chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2, thông tin đăng tải trên cổng thông tin của Bộ đương nhiên khiến nhiều học viên thấy yên tâm và đăng ký. Như vậy, Bộ không thể nói không có trách nhiệm trong vụ này.
Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, đang có những “lỗ hổng” trong quản lý, phối hợp, giám sát của các Vụ thuộc Bộ GD&ĐT. Đối với các trường đã tự chủ thì không nhiều vấn đề, nhưng những trường thuộc quyền quản lý của Bộ thì phải siết chặt việc quản lý, đặc biệt là chỉ tiêu, văn bằng, không thể có chuyện cá nhân qua mặt được Bộ chủ quản. Dư luận sẽ đặt câu hỏi, nếu Bộ không cấp phép cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 thì sao lại đăng tải thông tin, chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh đó, từ vụ việc trên, một số chuyên gia khác đánh giá, việc một số đơn vị, cá nhân “qua mặt” cơ quan cấp trên có thể hiểu đang thiếu đi sự giám sát chặt chẽ và hợp tác giữa một số cơ quan chuyên môn của Bộ.
Có thể bạn quan tâm
Đính chính sách Cánh Diều: Vẫn “đánh đố” trẻ nhỏ!
05:00, 18/11/2020
Dừng gần 200 chương trình đào tạo liên kết: Bộ Giáo dục nên công khai danh sách!
06:00, 22/07/2020
Mừng với quyết định "dừng đi học trước một tháng rồi mới khai giảng" của Bộ Giáo dục
05:08, 04/07/2020
[COVID-19] Bộ Giáo dục và Đào tạo có đang thụ động?
03:07, 09/03/2020