Bộ Giáo dục nên sớm công khai danh sách gần 200 chương trình đào tạo liên kết bị dừng để người dân và học sinh biết, tránh bị lợi dụng.
Những năm gần đây, xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế ngày càng mạnh. Việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục tại Việt Nam với các chương trình quốc tế không chỉ dừng lại ở trọn vẹn một chương trình đào tạo mà xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho nhu cầu của người học.
Hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, 600 chương trình liên kết đào tạo (trong số này Bộ GD-ĐT đã rà soát và chỉ để lại 352 chương trình hoạt động).
Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã có 3 trường đại học lọt top 1.000 trong các bảng xếp hạng của thế giới và 8 trường lọt vào danh sách 500 trường hàng đầu châu Á. Số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài khoảng 192.000. Số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học trong 5 năm qua mỗi năm tăng 10%.
Do đó nhu nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là rất lớn. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hiện có một lượng du học sinh và sinh viên Việt Nam không thể ra nước ngoài học tập, đang cần tìm chỗ học trong nước.
Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các trường đại học Việt Nam đón thêm sinh viên quốc tế.
Có thể thấy, mục đích của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế không sai, đang làm xu hướng của thế giới. Mặt khác, nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên đối với các chương trình liên kết quốc tế là có thật. Song không phải chương trình liên kết đào tạo nào cũng thật sự có chất lượng tốt.
Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phải rà soát lại và cho dừng gần 200 chương trình liên kết.
"Yêu cầu đặt ra tới đây là các trường mở chương trình nào phải tốt chương trình đó, vì xã hội yêu cầu ngày càng cao, các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”.- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam diễn ra mới đây.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, các trường cần xác định mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để các học sinh Việt Nam có thể du học tại chỗ.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nhạ đề nghị các trường phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để các em được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam.
"Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam". - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường luôn phải tốn một năm đầu đào tạo tiếng Anh cho các học viên tham gia chương trình đào tạo quốc tế học tiếng Anh bởi trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam thực sự còn rất yếu.
Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp ý, các trường nên chọn đối tác chiến lược một cách chọn lọc thay vì gặp ai cũng mời hợp tác. Việc hợp tác nên dần tiến tới bình đẳng, các trường cần xây dựng thương hiệu của chính mình chứ không nên chỉ dựa vào thương hiệu của trường đối tác.
Đối với 200 chương trình liên kết bị dừng, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công khai danh sách các chương trình này để người dân và học sinh còn biết chương trình nào chấm dứt, chương trình nào đang tồn tại, tránh trường hợp học phải các chương trình kém chất lượng.
“Đây là vấn đề không thể không công khai mà phải công khai. Tôi ủng hộ việc công khai, vì trong vấn đề này không có gì là không thể công khai”. - ông Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm với Báo Nhà báo và Công luận.
Theo ông Tiến, tất cả thông tin cần thiết phải được công khai minh bạch. Nếu gần 200 chương trình liên kết đó không phù hợp nữa hoặc lạc hậu, ảnh hưởng đến nền giáo dục Việt Nam thì nên phải công khai.
Có thể bạn quan tâm
06:51, 04/07/2020
05:08, 04/07/2020
06:00, 27/06/2020
15:35, 26/06/2020