Quản lý vi phạm giao thông: Cần thêm chế tài ngoài phạt nguội

GIA NGUYỄN 02/03/2021 04:38

Theo các chuyên gia để phát huy tối đa hiệu quả trong quản lý vi phạm giao thông bên cạnh hình thức phạt nguội vẫn cần thêm những chế tài đủ sức răn đe, giám sát chéo…

Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong năm 2020, hệ thống camera ghi hình phục vụ phạt nguội trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện trên 120.000 trường hợp vi phạm, riêng Hà Nội hệ thống camera giám sát trên địa bàn Thành phố đã phát hiện hơn 16.000 vi phạm.

Phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, các ngã tư trọng điểm, các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý để in ảnh, truy xuất thông tin người và xe; xác định chủ phương tiện, địa chỉ để gửi thông báo xử phạt. Ngoài ra, hiện nay, CSGT cũng áp dụng phạt nguội vi phạm giao thông thông qua ghi nhận, xác minh hình ảnh người dân cung cấp hoặc trên mạng xã hội.

Phạt nguội được đánh giá cao về tính minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông - Ảnh: ĐĐK

Phạt nguội được đánh giá cao về tính công bằng, minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông vì sử dụng máy móc công nghệ vào quản lý - Ảnh: ĐĐK

Thực tế, xử lý vi phạm giao thông đường bộ bằng hình thức phạt nguội khi mới ra đời đã được dư luận đánh giá cao về tính hiệu quả và tránh được tiêu cực, bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, xử phạt nguội thông qua hình ảnh sẽ đảm bảo được tính công bằng, minh bạch, khiến người dân tin tưởng và chấp hành hơn.

Thông tin với báo chí, Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh phân tích: “Trong một thời gian dài, không ít người dân có định kiến về “xin - cho” trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu sự tin tưởng vào công tác của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, máy móc không biết thiên vị, hình ảnh ghi nhận vi phạm cho ra kết quả xử lý công bằng với tất cả khiến người dân thấy minh bạch hơn, chấp hành cũng tốt hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực trong xử lý vi phạm, hệ thống này cũng ngày càng gặp nhiều chiêu trò đối phó hơn như che hoặc tẩy xoá, sửa chữa một phần biển kiểm soát phương tiện, từ nhóm xe ô tô kinh doanh vận tải ra phương tiện cá nhân.

Nhiều chuyên gia phân tích, để xử lý tận gốc hành vi xấu xí, nguy hiểm này, song hành với việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhân rộng hệ thống camera ghi hình phạt nguội, cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa với các hình thức che, xóa biển số né phạt nguội, đặc biệt, với nhóm xe kinh doanh vận tải như taxi, xe khách, xe tải… cần có thêm chế tài xử phạt nặng cả doanh nghiệp chủ quản phương tiện vi phạm.

Mặc dù đảm bảo tính công bằng, minh bạch nhưng nhiều chuyên gia vẫn quan ngại, nếu không có sự giám sát chéo vẫn dễ xảy ra tiêu cực - Ảnh: ND

Mặc dù đảm bảo tính công bằng, minh bạch nhưng nhiều chuyên gia vẫn quan ngại, nếu không có sự giám sát chéo vẫn dễ xảy ra tiêu cực - Ảnh: ND

Ngoài ra, theo Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung, phạt nguội vi phạm giao thông thông qua hình ảnh là biện pháp tối ưu hiện nay, tuy nhiên, điều cần nhất là sự minh bạch trong thông tin. Hệ thống camera giám sát giao thông cũng do con người vận hành, quản lý nên không loại trừ khả năng vẫn có thể bị sửa chữa, thay đổi, bởi vậy, luôn luôn phải có sự giám sát đối với những người chịu trách nhiệm vận hành hệ thống.

“Tốt nhất là nên truyền dữ liệu từ camera giám sát giao thông đến nhiều đơn vị khác như CSGT, Thanh tra Giao thông vận tải… để kiểm tra chéo, cùng xử lý vi phạm, nếu để một đơn vị quản lý, thu thập dữ liệu camera giám sát vừa hạn chế hiệu quả do quá nhiều thông tin, vừa dễ nảy sinh tiêu cực", Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung góp ý.  

Còn theo Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, việc xử phạt nguội vi phạm giao thông ở nhiều nước phát triển rất nghiêm minh; chậm nộp phạt sẽ bị tính lãi, phạt nhiều lần với các lỗi nặng có thể bị đưa ra tòa án xét xử… hiện chúng ta vẫn đang tập trung vào xây dựng hệ thống “cứng” là máy móc, mắt thần chứ chưa chú trọng đến các công cụ mềm, đặc biệt là quy định “phạt chồng phạt” nếu người vi phạm không chấp hành. Hiện, đối với các trường hợp cố tình chây ì nộp phạt nguội, có thể bị dừng đăng kiểm xe. Tuy nhiên, với những trường hợp phải 1 - 2 năm hoặc nhiều hơn nữa mới đến hạn đăng kiểm tính từ thời điểm bị phạt nguội, biện pháp này không mang lại hiệu quả tức thì như mong muốn.

“Theo tôi cần có thêm biện pháp phụ như: không nộp phạt nguội theo yêu cầu của CSGT có thể tước bằng lái xe ngay lập tức hoặc thông báo trên toàn hệ thống, cấm xe lưu hành…" - Thạc sĩ Phan Trường Thành nêu quan điểm

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Tác động mạnh giảm vi phạm giao thông nhưng… chưa đủ

    Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Tác động mạnh giảm vi phạm giao thông nhưng… chưa đủ

    04:30, 12/01/2021

  • Cách nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng

    Cách nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng

    18:23, 03/07/2020

  • Từ ngày 1/7, người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên toàn quốc

    Từ ngày 1/7, người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên toàn quốc

    11:00, 01/07/2020

  • CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Dùng xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ đi xử lý... vi phạm giao thông

    CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Dùng xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ đi xử lý... vi phạm giao thông

    10:19, 07/05/2020

GIA NGUYỄN