Thái Nguyên: Vì sao kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước bị “phá sản”?
Theo lộ trình của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên sẽ thoái vốn đối với một số doanh nghiệp sở hữu vốn Nhà nước trong năm 2020. Tuy nhiên, dư luận không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện?
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 4 Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Nguyên; Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đại Từ.
Theo lộ trình của Chính phủ, trong năm 2020, tỉnh Thái Nguyên sẽ thoái vốn đối với Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đại Từ. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thoái vốn của hai đơn vị này đều bị chậm so với kế hoạch.
Trả lời cơ quan báo chí, ông Đào Duy Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tính đến nay, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đã chỉ đạo công ty phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa và được tổ chuyên viên họp thống nhất. Tuy nhiên, do gặp phải những bất cập, vướng mắc liên quan đến vấn đề nhân sự, xử lý tài chính nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đại Từ cũng chưa thể thoái vốn đúng theo lộ trình của Chính phủ. Nguyên nhân là do Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa công ty vẫn chưa hoàn thành phương án tổng thể cổ phần hóa và phương án sử dụng lao động sau khi doanh nghiệp thoái vốn để trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn tất các thủ tục cho việc đấu giá.
Cùng với doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ nói trên theo quy định của Chính phủ đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên cũng phải hoàn thành cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước là các công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên, Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên.
Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên mới đang tiến hành triển khai thoái vốn nhà nước từ 42,27% xuống còn 36%. Mặc dù vậy, việc thoái vốn tại công ty này đang tạm dừng theo Quyết định 908/QĐ-TTG ngày 29/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh kế hoạch thực hiện cổ phần hóa sang giai đoạn 2021- 2025.
Còn đối với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên và Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên thì phải hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay, tiến độ cổ phần hóa của hai công ty này này đều bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa các công ty này vẫn chưa trình phương án xác định giá trị doanh nghiệp cho UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, phê duyệt.
Dư luận hoài nghi cho rằng, liệu chăng có một trở lực vô hình đã và đang cố tình cản trở lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Thái Nguyên?
Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên. Năm 2017 khi triển khai thực hiện cổ phần hóa đối với doanh nghiệp này, ông Dương Văn Lộc- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Thái Nguyên thời điểm bấy giờ- rất cương quyết với việc đẩy nhanh cổ phần hóa, doanh nghiệp này. Thậm chí, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Thái Nguyên còn “giới thiệu” cả “nhà đầu tư chiến lược” là Tập đoàn Quốc tế Đông Á.
Thế nhưng điều khiến dư luận vô cùng khó hiểu là bởi, mặc dù đã quyết liệt là vậy, nhưng ngay sau khi được điều động về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên- ngày 10/9/2020 ông Dương Văn Lộc “bỗng” có kiến nghị chuyển cổ phần hóa sang giai đoạn 2021-2025.
Và mới đây, ngày 24/2/2021, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Văn Lộc lại tiếp tục có Công văn số 68/CTTN&PTHTĐT-KH đề nghị xin dừng cổ phần hóa (?!).
Dư luận cho rằng, có lẽ đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên và các ngành chức năng cần nghiêm túc xem xét toàn bộ các hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên với quá nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm trong thời gian qua, mà nổi cộm nhất là việc thực hiện Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên có giá trị trên 950 tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng đã “đắp chiếu” gần 2 năm nay.
Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên được hoàn thành vào năm 2018. Hạng mục quan trọng của dự án là xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng có công suất xử lý mỗi ngày 6.000m3 nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông Cầu. Tuy nhiên, nhà máy này hoạt động chưa được bao lâu thì ngày 24/8/2019, tủ điện điều khiển bị cháy, toàn bộ nhà máy tê liệt, ngừng hoạt động. Từ đó đến nay đã hai năm, nhà máy vẫn “đắp chiếu”, lượng nước thải sinh hoạt TP Thái Nguyên bị ô nhiễm nghiêm trọng là rất lớn mà không được xử lý, xả thẳng ra sông Cầu khiến người dân vô cùng bức xúc. |
Có thể bạn quan tâm
Thái Nguyên: “Tử thần” rình rập từ mỏ than Khánh Hòa
11:01, 27/04/2021
“Chuỗi” vi phạm tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên): Ai chịu trách nhiệm?
04:00, 22/04/2021
Cựu Tổng Giám đốc Gang thép Thái Nguyên bị đề nghị 10-11 năm tù
18:58, 14/04/2021
Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Toà bác đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải
11:15, 12/04/2021
Vụ đại án gang thép Thái Nguyên: Nhiều đại diện bộ ngành bị triệu tập
07:30, 12/04/2021