Cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bị đề nghị mức án từ 10 - 11 năm tù trong vụ án xảy ra tại giai đoạn 2 dự án Gang thép Thái Nguyên.
Chiều 14/4, sau ba ngày làm việc, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử vụ đại án gang thép Thái Nguyên kết thúc phần xét hỏi. Đại diện VKS đề nghị mức án đối với 19 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu tổng Giám đốc TISCO; 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh này, bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO) bị đề nghị 9-10 năm tù.
Các bị cáo Mai Văn Tinh (Cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) bị đề nghị mức án 6-7 năm tù; Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc VNS) 3-4 năm; 10 bị cáo cùng tội danh với ông Mừng, còn lại bị đề nghị từ 2 - 9 năm.
5 bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị từ 1-3 năm.
Theo Viện Kiểm sát, năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, với tổng vốn hơn 3.800 tỉ đồng. TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT của VNS.
Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12.7.2007, Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng, cùng Tổng Giám đốc MCC ký một hợp đồng có giá trị hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỉ đồng).
Đây là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.
Theo hợp đồng, MCC phải hoàn thành dự án sau 30 tháng nhưng sau 11 tháng khởi công vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.
MCC rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỉ đồng).
Theo đại diện Viện Kiểm sát, dù biết rõ việc MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ, năm 2012, ông Trần Văn Khâm, người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO, vẫn ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 4.200 tỉ đồng.
Những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc TISCO và VNS đã dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỉ đồng.
"Theo quy đinh pháp luật với hành vi sai phạm của các bị cáo phải áp dụng hình phạt tương xứng để răn đe, phòng ngừa chung. Trong vụ án, bị cáo Mừng có vai trò cao nhất", đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Viện Kiểm sát xem xét nhân thân của các bị cáo. 19 bị cáo đều có nhân thân tốt, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ông Mừng bồi thường 800 triệu đồng, trên 70 tuổi, từng được nhiều bằng khen.
Bị cáo Mai Văn Tinh, Trần Văn Khâm được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, Huân chương hạng 3. Đậu Văn Hùng, được tặng nhiều huân chương hạng nhất, hạng nhì… trên 70 tuổi, gia đình có công với Cách mạng….
Trong vụ án, Viện kiểm sát thấy, các bị cáo được giao nhiệm vụ, trọng trách quan trọng, nhiều người có chức vụ cao, kiến thức cao. Song khi thực hiện hợp đồng EPC, các bị cáo đã bộc lộ nhiều sơ hở, dẫn đến thất thoát, thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Hành vi của các bị cáo còn tác động gián tiếp, làm gánh nặng cho nền tăng trưởng kinh tế. Đến nay dự án đang trong tình trạng không thể thực hiện dù Chính phủ, TISCO đang tìm nhiều phương án tháo gỡ.
Trong số 19 bị cáo, bị cáo Trần Trọng Mừng có vai trò chính, là người chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội tại TISCO. Cụ thể, với quyền hạn là Tổng Giám đốc TISCO (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án, là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thực hiện Dự án, đáng lẽ khi MCC vi phạm hợp đồng, bị cáo Mừng phải có biện pháp chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để giải quyết đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, bị cáo Mừng không những không thực hiện mà còn chỉ đạo đàm phán với MCC để tách phần C ra khỏi Hợp đồng, TISCO tổ chức thực hiện và chịu rủi ro trong khi đây là trách nhiệm của MCC; ký các văn bản đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C của Hợp đồng; giới thiệu và chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C theo đơn giá; Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý chi phí phần C của Hợp đồng không có cơ sở pháp lý, không đúng Hợp đồng EPC số 01#.
Tiếp sau bị cáo Mừng, bị cáo Trần Văn Khâm bị đánh giá là có vai trò tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Với quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc TISCO, kế nhiệm Trần Trọng Mừng chỉ đạo thực hiện Dự án, bị cáo Khâm biết rõ Hợp đồng EPC số 01# là hợp đồng trọn gói, không có căn cứ điều chỉnh giá nhưng vẫn chỉ đạo tham mưu, đề xuất và ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của Hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD; ký Phụ lục điều chỉnh lần thứ tư với MCC thống nhất tách phần C ra khỏi Hợp đồng; ký Hợp đồng thầu phụ ba bên, chấp thuận giao cho VINAINCON không đủ năng lực và các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, TISCO tổ chức thực hiện và chịu mọi rủi ro không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của Hợp đồng.
Ngoài mức án, Viện Kiểm sát đề nghị các bị cáo liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 830 tỉ đồng.
Ngày mai (15/4) toà tiếp tục làm việc.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 29/03/2021
11:34, 20/01/2021
11:00, 20/10/2020
04:17, 15/05/2020