Tài chính doanh nghiệp

Vì sao TIS bị phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 225 tỷ đồng?

Đình Đại 22/07/2025 04:50

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – TISCO (UpCOM: TIS) đã bị Chi cục Thuế khu vực VII xử phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền lên đến hơn 225,5 tỷ đồng.

Theo quyết định của Chi cục Thuế khu vực VII, TISCO đã thực hiện hành vi kê khai không đúng phí bảo vệ môi trường đối với quặng nghèo nguyên khai đã khai thác từ năm 2017 - 2024.

tisco.png
TISCO bị phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền lên tới hơn 225,5 tỷ đồng - Ảnh: TIS.

Cụ thể, chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – Mỏ sắt Tiến Bộ được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thành lập để khai thác quặng sắt tại Mỏ sắt Tiến Bộ đã kê khai không đúng phí bảo vệ môi trường đối với quặng nghèo nguyên khai từ năm 2017 -2024, cụ thể đã khai không đúng loại tài nguyên quặng nghèo nên dẫn đến xác định sai mức phí bảo vệ môi trường phải nộp tại Tờ khai quyết toán phí bảo vệ môi trường - Mẫu 02/BVMT theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, kỳ: Năm 2017, Năm 2018, Năm 2019, Năm 2020; Tờ khai quyết toán phí bảo vệ môi trường - Mẫu 302/PBVMT theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, kỳ: Năm 2021, Năm 2022, Năm 2023, Năm 2024.

Cơ quan thuế cũng xác định TISCO có 1 tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.

Với vi phạm trên, TISCO bị xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng, buộc truy nộp gần 151,6 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường thiếu vào ngân sách nhà nước, cùng với gần 74 tỷ đồng tiền chậm nộp phí bảo vệ môi trường. Tổng cộng, doanh nghiệp ngành thép này bị phạt vi phạm hành chính, tiền phí bảo vệ môi trường truy thu và tiền chậm nộp phí bảo vệ môi trường là hơn 225,5 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính quý II/2025, TISCO ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.399 tỷ đồng, tăng gần 10,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 14,5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 947 triệu đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 6.231 tỷ đồng, tăng hơn 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế bán niên ghi nhận đạt hơn 5,3 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ gặp rắc rối với cơ quan thuế, doanh nghiệp ngành thép này vẫn đang đối mặt với khoản nợ quá hạn lớn, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 (TISCO 2). Do đó, công ty dự kiến không chia cổ tức trong năm 2024.

cptis.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu TIS đang giao dịch quanh mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên là 59.520 cp.

Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu 14.190 tỷ đồng (giảm 8,5% so với 2024) và lợi nhuận trước thuế gần 10,7 tỷ đồng, cải thiện so với năm 2024. Mục tiêu này được đặt ra trong bối cảnh TISCO dự báo thị trường năm 2025 tiếp tục khó khăn, với giá nguyên liệu và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó, công ty còn đối mặt với hàng loạt thách thức nội tại kéo dài, bao gồm các vướng mắc pháp lý trong việc cấp phép khai thác tại Mỏ than Phấn Mễ làm hạn chế sản lượng tự khai thác; công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu tại các khâu Cốc hóa, Luyện gang, Luyện thép dẫn đến giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tiếp tục đình trệ gây áp lực lớn lên tình hình tài chính, khiến việc thu xếp vốn khó khăn và chi phí lãi vay cao hơn.

Trong báo cáo ngành thép mới đây, Chứng khoán MBS cho biết, thị trường nội địa dự báo ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép khoảng 22% so với cùng kỳ, lên mức 7,1 triệu tấn, trong đó chiếm 60% đến từ thép xây dựng và HRC. Cụ thể hơn, nhờ giải ngân vốn đầu tư công và nguồn cung bất động sản tăng trưởng tích cực, dự báo tiêu thụ thép xây dựng có thể tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, lên mức 3,1 triệu tấn trong mùa cao điểm của quý II/2025.

Đối với thép HRC, việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời mức 19% - 28%, đã làm giảm chênh lệch giá của thép Trung Quốc đối với thép Việt Nam khoảng 22% so với cùng kỳ, xuống mức 50 USD/tấn và điều này khiến HRC nội địa có thể cạnh tranh về giá đối với hàng nhập khẩu.

“Do các thị trường xuất khẩu như EU và Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam kể từ cuối quý I/2025, sản lượng xuất khẩu toàn ngành dự báo giảm 20% so với cùng kỳ, về mức 1,5 triệu tấn. Do đó, chúng tôi dự báo các doanh nghiệp phục thuộc vào xuất khẩu sẽ bị tác động tiêu cực tới giá và sản lượng”, MBS đánh giá.

Về giá thép, chuyên gia của MBS cho biết, giá thép duy trì ổn định trong quý II, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhẹ tác động tích cực tới biên gộp của các doanh nghiệp trong quý II/2025, giá thép nội địa duy trì ổn định do nhu cầu đang ở mức cao và tác động tích cực từ thuế chống bán phá giá. Giá thép xây dựng đi ngang so với cùng kỳ và tăng nhẹ 1% so với quý trước.

Bên cạnh đó, giá HRC duy trì ổn định nhờ sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh mẽ. Thị phần HRC nội địa đã cải thiện lên mức 65% từ khoảng 40% khi các doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh thị phần từ thép xuất khẩu.

MBS nhận định, nhu cầu tiêu thụ tốt tiếp tục trở thành động lực cho giá thép nội địa trong nửa sau năm 2025 dù giá thép Trung Quốc chưa có tín hiệu phục hồi. Đồng thời, đơn vị này cũng cho rằng, giá thép nội địa có thể tăng kể từ quý III/2025 nhờ nhu cầu tiêu thụ tích cực và áp lực từ thép Trung Quốc hạ nhiệt do nước này cắt giảm sản lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao TIS bị phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 225 tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO