“Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị
Không phải là câu chuyện mới, thế nhưng, đội vốn, chậm tiến độ tại các dự án vẫn khiến dư luận vô cùng quan ngại, khi sự lãng phí gây ra là rất lớn và các dự án đường sắt đô thị là bài học nhãn tiền…
Trong số các dự án trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn gây nhức nhối dư luận thời gian dài vừa qua, không thể không kể đến các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (gồm các tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông; Yên Viên - Ngọc Hồi) và TP. Hồ Chí Minh (các tuyến Bến Thành – Suối Tiên; Bến Thành - Tham Lương).
Trong đó tuyến đường sắt đô thị đội vốn nhiều nhất cần phải nhắc đến là đường sắt đô thị số 1 của TP. Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng (mức đội vốn khoảng 30.000 tỷ đồng).
Theo tiến độ ban đầu, dự án này phải hoàn thành vào năm 2017 và được đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Thế nhưng, tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành đã liên tục phải lùi khi còn rất nhiều hạng mục dang dở.
Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài 9,2km, dự án được phê duyệt vào năm 2010, với mức tổng mức đầu tư ban đầu của khoảng 26.100 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay ước tính mức đầu tư của dự án này khoảng 47.000 tỷ đồng (đội vốn 21.000 tỷ đồng). Như vậy, chỉ 2 tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh con số đội vốn đã là 51.000 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, 3 dự án đường sắt đô thị gồm các tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi cũng rơi vào cảnh tương tự khi số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu, lần lượt là 14.052 tỷ đồng; 9.232 tỷ đồng và 5.602 đồng tỷ đồng.
Tính cả 5 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai, đã có hơn 81.000 tỷ đồng bị đội vốn, và những con số này còn được dự đoán sẽ chưa dừng lại khi thời gian cụ thể hoàn thành dự án, bàn giao và đi vào vận hành của dự án chưa có gì đảm bảo chắc chắn trong một thời hạn nhất định.
Chưa kể vừa qua, kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng cho thấy, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án) đã dự toán một số hạng mục công việc xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị áp dụng chưa phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý định mức, hợp đồng EPC làm tăng giá trị dự toán các hạng mục công trình.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải áp sai giá nhân công xây dựng với số tiền hơn 222 tỷ đồng, trong đó, phần cầu tăng gần 72 tỷ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỷ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỷ đồng, phần đường ray tăng 4,7 tỷ đồng và đường tránh Quốc lộ 6 tăng 1,7 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong trường hợp này Bộ Giao thông vận tải phải áp dụng trả lương nhân công theo quyết định 3796/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về công bố giá nhân công thị trường trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn và Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.
Bộ GTVT đã có những giải trình, tuy nhiên, trong văn bản mới nhất được Văn phòng Chính phủ phát đi hôm 26/6 đã khẳng định, vấn đề trên không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội giải quyết theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình này.
Từ đó có thể nhận thấy, những tuyến đường sắt dang dở hàng chục năm trời không về đích đã dẫn đến nhiều hệ luy không chỉ về nguồn vốn đầu tư, mà còn tạo ra những tiền lệ xấu trong môi trường đầu tư, gây bức xúc trong dư luận,...
Thông tin với báo chí trước đó, chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận: Bên cạnh những tác động không tốt đến xã hội, thì việc điều chỉnh vốn đã kéo theo 4 hệ luỵ lớn mà hiện chúng ta phải xử lý là nguồn vốn ở đâu? thẩm quyền phê duyệt thế nào? có vào kế hoạch trung hạn hay không, khả năng cấp phát và vay lại của địa phương ra sao?
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, đối với 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hiện nay giống như "đâm lao phải theo lao”, dự án đã xây dựng đến như vậy rồi buộc phải hoàn thành, nếu để không thì không được, tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất ở đây là những nguồn vốn thực hiện các dự án này là nguồn vốn đi vay ODA, nên rất đắt đỏ, đặt thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
Thực tế, các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ là một trong số rất nhiều dự án chậm tiến độ, đội vốn gây ra sự lãng phí khiến dư luận vô cùng quan ngại thời gian vừa qua mà chưa có những cá nhân, tập thể nào đứng ra nhận trách nhiệm về những hệ lụy đang tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
Bao giờ có "thuốc" đặc trị "căn bệnh" lãng phí?
04:20, 27/07/2021
Các đại biểu Quốc hội "hiến kế" chống lãng phí
12:50, 26/07/2021
Tiết kiệm và chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mực
19:54, 24/07/2021
Hàng triệu “hộp đen” có đang bị lãng phí?
04:20, 14/07/2021
Đường sắt nối sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành: Lãng phí!
05:15, 23/06/2021