Được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc “cách mạng” trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, thế nhưng, hàng triệu thiết bị giám sát hành trình được cho đang tạo ra sự lãng phí...
Thiết bị giám sát hành trình (hay còn gọi là “hộp đen”), được sinh ra với sứ mệnh vô cùng đặc biệt và quan trọng, hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như lực lượng chức năng trong việc giám sát hoạt động của các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải. Đặc biệt, những chiếc “hộp đen” còn được ví như thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp chấm dứt vấn nạn xe dù, bến cóc đã và đang nhức nhối nhiều năm qua, thế nhưng, dù đã triển khai hàng triệu “hộp đen” trên các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, đến nay, sứ mệnh của loại thiết bị này không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, với việc áp dụng bắt buộc lắp đặt “hộp đen” trên các phương tiện, doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu không ít tốn kém chi phí về thiết bị (4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc), chi phí duy trì (khoảng 120.000 đồng/xe/tháng),… cuối cùng cũng chỉ để trang bị như một hình thức chống đối, mà chẳng đem lại một tác dụng gì.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2021 cho thấy, trên cả nước có hơn 600.000 xe không truyền dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, có rất nhiều địa phương mà số xe vi phạm không truyền dữ liệu lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang…
Theo quy trình, thông tin được thiết bị giám sát hành trình ghi nhận sẽ liên tục cập nhật, kết nối với trung tâm dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý vi phạm hiện nay lại vô cùng hạn chế, chưa tạo được những biến chuyển trong công tác quản lý chuyên ngành, dù quy định bắt buộc phải lắp đặt “hộp đen” trên các phương tiện đã được triển khai hàng chục năm nay.
Thực tế, trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mới đây, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ người nhiễm lớn nhất với những con số gia tăng hàng ngày, trong bối cảnh đó, việc hạn chế di chuyển (trong đó có các phương tiện vận tải hành khách bằng ô tô) từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đến những tỉnh, thành phố khác được coi là giải pháp cấp bách và hữu hiệu nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp chủ xe khách cố tình chạy “chui”, chở khách từ vùng dịch đi các địa phương khác, điển hình như trường hợp xe khách Trung Đức, chở “chui” khách từ TP. Hồ Chí Minh về TP Hải Phòng vào cuối tháng 6/2021 vừa qua, trong khi, từ ngày 31/5, UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định từ Hải Phòng đi và về TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, xe khách mang BKS: 15B - 036.84 của nhà xe Trung Đức vẫn thực hiện 4 lượt đi từ TP. Hải Phòng vào TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 09/6 đến ngày 23/6, mới được phát hiện khi 3 lái xe, phụ xe của xe khách này được phát hiện nhiễm COVID-19.
Qua công tác truy vết, Hải Phòng đã ghi nhận 6 ca dương tính, Thái Bình cũng ghi nhận 7 bệnh nhân liên quan đến xe khách này, thì cơ quan quản lý mới nhắc đến những chiếc “hộp đen” đã yêu cầu các doanh nghiệp bắt buộc phải lắp đặt, vận hành hàng chục năm nay.
Không chỉ trường hợp đã nêu, cuối tháng 6, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện xe khách Khang Phát cố tình vận chuyển hành khách từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Đắk Lắk.
Theo các chuyên gia, chi phí lắp đặt “hộp đen” cho các phương tiện rất tốn kém, nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Các hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp vận tải, hầu hết là các hộ tư nhân có xe liên kết để hoạt động, thực tế xe vẫn là của từng cá nhân vận hành, khai thác. Do đó, việc lắp “hộp đen” để nắm bắt thông tin về xe với hợp tác xã cũng chẳng để làm gì, trong khi thiết bị “hộp đen” gặp trục trặc không hoạt động thì cơ quan quản lý cho rằng doanh nghiệp cố tình vi phạm nên rút phù hiệu, cắt lốt… cũng là một vấn đề vô cùng đáng quan ngại.
Thực tế, ngay từ khi quy định bắt buộc ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt “hộp đen” để giám sát hành trình mới ở mức ý tưởng và đề xuất, không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi và hiệu quả của quy định này. Và cho tới này khi hàng triệu phương tiện đã được lắp đặt “hộp đen” thì tác dụng của thiết bị này dường như vẫn chỉ là một sự lãng phí không cần thiết.
Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng đặt ra nhiều câu hỏi, hàng triệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được lắp đặt trên các xe kinh doanh vận tải để “làm gì” trong khi những chiếc xe khách “xé rào” chạy “chui” xuyên từ vùng có dịch qua nhiều tỉnh, thành phố mà không bị phát hiện? Những chiếc xe đó đã lắp hộp đen chưa? Nếu lắp rồi thì hộp đen có hoạt động không, cơ quan quản lý có nắm được không?
Theo vị chuyên gia này, chủ trương lắp đặt hộp đen đã được thực hiện từ lâu nhưng những trường hợp xe khách vi phạm mà không bị phát hiện trong thời gian qua xảy ra không ít. Điều này cho thấy hàng triệu hộp đen mà các chủ phương tiện tốn không ít tiền để lắp đặt đang vận hành không ổn.
“Ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, giám sát giao thông, vận tải thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là vô cùng cần thiết. Nhưng việc vận hành và ứng dụng công nghệ đó ra sao mới quan trọng, nếu làm không tốt thì vừa kém hiệu quả, vừa gây ra lãng phí lớn”, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Một số đề xuất cắt giảm quy định kinh doanh vận tải chưa phù hợp
04:30, 04/06/2021
Hải Phòng: Xem xét tiêm vaccine cho lái xe kinh doanh vận tải
11:02, 03/06/2021
Lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề: Thêm thủ tục hành chính không cần thiết
05:10, 04/10/2020
Kinh doanh vận tải, có cần “gánh” nhiều tầng quản lý?
04:50, 30/09/2020