“Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT
Xoay quanh câu chuyện thất thoát, lãng phí, dù đã “khai tử”, thế nhưng, không thể không nhắc đến các dự án được thực hiện theo hình thức BT khi nhiều chục nghìn tỷ đã bị “chôn vùi” vào đó…
Không thể phủ nhận, trong hơn 20 năm dự án BT được triển khai tại Việt Nam, bộ mặt nhiều đô thị đã được “lột xác” nhờ những “đòn bẩy thép” về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức này. Tuy nhiên, “lỗ hổng” pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đã khiến cho hình thức này trở thành “con dao hai lưỡi”, biến dự án BT từ công cụ để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước lại trở thành “gánh nặng” gây ra những thất thoát, lãng phí quỹ đất công và ngân sách Nhà nước.
Kết quả báo cáo kiểm toán tổng hợp năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội năm 2020 về 29 dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) được kiểm toán tại các địa phương đã cho thấy những thất thoát, lãng phí liên quan đến các dự án này là rất lớn.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 1.262 tỷ đồng, xử lý khác 1.355,3 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 552,3 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.246,4 tỷ đồng.
Trong đó, các tỉnh, thành phố có dự án tỷ lệ xử lý lớn so với giá trị được kiểm toán như: TP. Hồ Chí Minh 1.182,6 tỷ đồng (chiếm 25%); TP. Hà Nội 1.854,59 tỷ đồng (chiếm 23,29%); Bắc Ninh 132,43 tỷ đồng (chiếm 11,08%).
Ngoài ra, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý 7.453 tỷ đồng tại 37 dự án BT khác.
Thực tế cũng chỉ ra, hàng loạt các dự án có mức tính chi phí chênh lệch quá lớn so với thực tế đã gây ra những thất thoát, lãng phí lớn.
Như tại dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang đổi lấy 7.388m2 “đất vàng” tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang của Công ty CP Thanh Yến.
Đáng chú ý, Công ty CP Thanh Yến chỉ phải chi vỏn vẹn khoảng 123 tỷ đồng để sử dụng khu đất này trong 50 năm, căn cứ theo Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 về phê duyệt giá đất thực hiện dự án của UBND tỉnh Khánh Hòa, mức giá đất được tính là gần 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở và hơn 7,8 triệu đồng/m2 đối với đất sản xuất kinh doanh, trong khi giá thực tế của thị trường cao hơn rất nhiều lần.
Không dừng lại ở đó, khu Trường Chính trị Khánh Hòa (mới) ở xã Phước Đồng vẫn chưa thể hoàn thành khi còn thiếu ký túc xá. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi 18.000 m2 tại Khu C thuộc dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia tại Vĩnh Hòa Nha Trang để hoàn vốn cho hợp đồng BT xây dựng hạng mục ký túc xá cho trường.
Được biết, các khu đất này đều có vị trí đắc địa khi nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng và đường ven vịnh Nha Trang, được coi là "đất vàng" nhưng tỉnh định giá chỉ 4,7 - 9,8 triệu đồng/m2 đối với đất ở.
Không chỉ có vậy, tại tỉnh Khánh Hòa việc xác định đơn giá đất ở là 623.777 đồng/m2, đất thương mại dịch vụ thuê 50 năm giá 173.481 đồng/m2 tại dự án Hệ thống thoát nước mưa (giai đoạn 2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, và đơn giá 459.000 đồng/m2 tại dự án dự án Hệ thống tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, để tính toán quỹ đất hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhỏ hơn rất nhiều so với đơn giá tạm tính quỹ đất hoàn vốn 2 triệu đồng/m2 của dự án này theo đơn giá đất kinh doanh phi nông nghiệp (bảng giá đất năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa) và cũng chưa phù hợp đơn giá vị trí khu đất được quy hoạch đất dịch vụ du lịch, đất biệt thự nghỉ dưỡng, đất khu trung tâm sử dụng hỗn hợp và nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chưa kể, tại các dự án BT việc xác định tổng mức đầu tư ban đầu cũng được cho là không chính xác.
Thực tế, tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai, như dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chênh với thực tế là 754,3 tỷ đồng; dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A (quận Hoàng Mai) chênh 251,4 tỷ đồng so với thực tế; dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình (quận Long Biên) chênh 85,8 tỷ đồng so với thực tế,...
Đáng nói, thất thoát, lãng phí lớn nhất đó là việc không ít dự án BT đã thực hiện xong vốn đối ứng thể nhưng dự án thực hiện lại ròng rã nhiều năm trời không hoàn thiện như dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A (quận Hoàng Mai) đã kéo dài gần 20 năm chưa thể hoàn thiện; dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) gần chục năm chưa hoàn thiện;… Chưa kể, vừa qua tại Hà Nội, 82 dự án BT cũng chính thức dừng triển khai, trong đó, phần chênh giữa tiến độ và đất đối ứng cũng được cho rất khó thu hồi dẫn đến thất thoát, lãng phí tương đối lớn.
Đánh giá về các dự án BT, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, bản chất của các dự án này là sử dụng nguồn lực Nhà nước nhưng nhiều dự án không thực sự cần thiết, cấp bách vẫn được đề xuất đầu tư theo hình thức này là chưa phù hợp nên gây thất thoát, lãng phí.
Có thể bạn quan tâm
Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!
05:00, 29/07/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị
04:00, 29/07/2021
Bao giờ có "thuốc" đặc trị "căn bệnh" lãng phí?
04:20, 27/07/2021
Hàng triệu “hộp đen” có đang bị lãng phí?
04:20, 14/07/2021
Đường sắt nối sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành: Lãng phí!
05:15, 23/06/2021