Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 7: Thất thoát lớn tại CIENCO 1
Theo Bộ Công an, việc thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa CIENCO 1 liên quan tới Út trọc, đáng chú ý, có tới 90% cổ phần do các cổ đông Cái Mép, Khánh An, Yên Khánh, và An Hiền đứng tên giúp…
Theo đó, Tổng công ty xây dựng công trình Giao thông 1 - Công ty cổ phần (CIENCO 1) vốn là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu đời với gần 60 năm xây dựng và phát triển. Trong thời kỳ Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam, CIENCO 1 đã có nhiều cán bộ, nhân viên anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông giữa hai miền Tổ quốc.
Hòa bình lập lại, CIENCO 1 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành giao thông vận tải, tham gia và hoàn thành hầu hết các công trình lớn, trọng điểm, góp phần không nhỏ vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước như: Cầu Chương Dương, cầu Phú Lương, Tân Đệ, Rạch Miễu, QL5, QL18, QL1A Hà Nội - Lạng Sơn, QL1A Cần Thơ - Năm Căn... các cây cầu qua thành phố Đà Nẵng (Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu quay Sông Hàn...), cầu Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cao Lãnh, cao tốc TP. HCM - Trung Lương... và thi công nhiều công trình trọng điểm bên nước bạn Lào, Campuchia.
Với những thành tựu đạt được, CIENCO 1 đã được tặng thưởng nhiều Huân chương của Đảng và Nhà nước như Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Hồ Chí Minh,… Năm 2014, CIENCO 1 đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xếp hạng trong Top 10 thương hiệu Việt uy tín, Top 10 doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, xếp hạng 125 trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Sau những thành công rực rỡ đó, năm 2014, thực hiện chủ trương Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, CIENCO 1 là một trong số các doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc cổ phần hóa này.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa, khác với các doanh nghiệp Nhà nước khác, CIENCO 1 đã liên tiếp để xảy ra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm của cổ đông, người quản lý trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp và các hoạt động cho vay tài chính với nhóm cổ đông liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), gây thiệt hại nghiêm trọng cho CIENCO 1 và cổ đông khác, khiến CIENCO 1 đối diện với nguy cơ mất vốn hơn 841 tỉ đồng từ các khoản nợ khó đòi.
Theo Quyết định số 1756/QĐ-BGTVT ngày 25/06/2010 của Bộ Giao thông vận tải, CIENCO 1 thực hiện cổ phần hóa và chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Ngày 21/03/2014, CIENCO 1 thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng 16.183.500 cổ phần, mức giá 10.000 đồng/cổ phần, thu về hơn 161 tỉ đồng.
Cuối 2014, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 15169/BGTVT-QLDN phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước tại CIENCO 1, cho phép chuyển nhượng toàn bộ 24,5 triệu cổ phần theo hình thức bán thỏa thuận trực tiếp trọn lô.
Trên cơ sở hồ sơ chào mua công khai 12,6 triệu cổ phần (18% vốn điều lệ CIENCO 1), giá mua 10.023 đồng/cổ phần của Yên Khánh, Hội đồng quản trị CIENCO 1 (chủ tịch HĐQT Phạm Dũng, thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Hòa, Phạm Việt Khoa và Cấn Hồng Lai) gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước, trong đó đánh giá về năng lực tài chính, kinh nghiệm của liên danh nhà đầu tư để đề xuất bán toàn bộ cổ phần Bộ Giao thông vận tải đang nắm giữ (24,5 triệu cổ phần, tương ứng 35%) cho Liên danh nhà đầu tư Yên Khánh - Hồng Hà với mức giá chỉ bằng giá chào mua, thu về 256 tỉ đồng.
Ngày 12/01/2015, Bộ Giao thông vận tải có văn bản 355/BGTVT-QLDN về việc hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại CIENCO 1. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo “khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quyết toán tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ người lao động dôi dư, quyết toán số tiền thu được từ cổ phần hóa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước bàn giao cho công ty cổ phần theo đúng quy định hiện hành”.
Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa "thần tốc" tại CIENCO 1 đã không giải quyết được các vấn đề liên quan, dẫn đến tồn đọng nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Đến giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của CIENCO 1 là Yên Khánh (nắm 35,58%), trong khi các cán bộ, người lao động trong CIENCO 1 chỉ chiếm 10,8%.
Khi chưa giải quyết xong vấn đề chế độ cho các lao động dôi dư tại các công ty con của CIENCO 1 thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa của doanh nghiệp đã nhanh chóng gộp phần quỹ trích lập thành giá trị doanh nghiệp dẫn đến khi hoàn toàn 100% vốn tư nhân, CIENCO 1 không còn nguồn để giải quyết lương và chế độ cho lao động dôi dư hậu cổ phần hóa…
Ngày 28/8/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 49/KLĐT-CSKT-P9 kết luận: Đinh Ngọc Hệ là người cung cấp tiền cho Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty CP đầu tư Cái Mép, Công ty CP An Hiền, Công ty CP TM nước giải khát Khánh An để mua cổ phần, thực chất Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) là người sở hữu đối với số cổ phần trên.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng xác định, 90% số cổ phần CIENCO 1 thuộc sở hữu của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) do các cổ đông Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép, Công ty CP thương mại nước giải khát Khánh An, Công ty TNHH SXTMDV Yên Khánh, Công ty cổ phần An Hiền đứng tên.
Toàn bộ số cổ phần này đã bị kê biên trong vụ án mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra Đinh Ngọc Hệ về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 221 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 khoản 4 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Có thể bạn quan tâm
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 1: Thực hiện “ồ ạt”... thất thoát “khổng lồ”
11:00, 05/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 2: Ai được, ai mất?
03:30, 08/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 3: "Cổ phần hóa mặt tiền”
11:00, 09/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 4: Miếng bánh “béo bở” ACV
03:50, 10/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 5: “Chuỗi” sai phạm nghiêm trọng tại ACV
12:20, 11/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 6: Có nên “tái quốc hữu hóa” ACV?
04:20, 12/08/2021