Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 6: Có nên “tái quốc hữu hóa” ACV?

Diendandoanhnghiep.vn Ngoài những đề xuất “cởi trói” cho ACV trong bảo trì, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng khu bay, Bộ GTVT đã “gây sốc” với đề xuất Nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại là doanh nghiệp nhà nước…

 

hjhj

Bộ GTVT đã đề xuất Nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại là doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh họa: internet

Đề xuất mua lại cổ phần ACV

Theo đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT kiến nghị: Nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), để ACV là doanh nghiệp nhà nước (nắm giữ 100% vốn), tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Theo Bộ GTVT, hiện hạ tầng hàng không gồm phần đã chuyển giao các doanh nghiệp quản lý khai thác, và phần thuộc nhà nước quản lý (đường cất/hạ cánh, đường lăn tàu bay). Trước đây, khi ACV chưa được cổ phần hóa, phần hạ tầng của nhà nước được Bộ GTVT giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư mở rộng, nâng cấp, sửa chữa... bằng vốn tự có của ACV.

Tuy nhiên, sau khi ACV được cổ phần hóa (sau tháng 4/2016), dù đường băng, đường lăn các sân bay vẫn do ACV quản lý, nhưng việc đầu tư mở rộng, nâng cấp, sửa chữa phải do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tiền phí khai thác ACV thu hộ và nộp vào ngân sách nhà nước.

Thay đổi trên đã dẫn tới bất cập, khi đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM) khai thác vượt công suất thiết kế, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, nhưng chưa được sửa chữa. Năm 2018, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin bổ sung khoảng 4.210 tỷ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách trung hạn để sửa chữa, nâng cấp 2 sân bay trên. Tuy nhiên, từ đó tới nay, do ngân sách nhà nước khó khăn, vẫn chưa bố trí được vốn.

Do đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng giao ACV quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không trong thời gian đến năm 2025. ACV có trách nhiệm khai thác ổn định, an toàn, đầu tư bảo trì, sửa chữa, mở rộng sân bay theo quy hoạch bằng vốn của doanh nghiệp. Điều này giúp giải quyết khó khăn ngân sách hiện nay, khi chưa có tiền bố trí cho lĩnh vực bảo trì, sửa chữa các sân bay.

Đổi lại, ACV được sử dụng nguồn kinh phí thu từ khai thác kết cấu hạ tầng hàng không. Trường hợp nguồn thu này không đủ cho bảo trì, ACV vẫn có trách nhiệm bảo trì sân bay bằng nguồn vốn doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không cấp thêm kinh phí. Sau năm 2025, Bộ GTVT sẽ tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định về việc quản lý kết cấu hạ tầng hàng không.

hjhj

Một số chuyên gia cho rằng, lý do Bộ GTVT đưa ra chưa thuyết phục, có thể ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện, tạo tiền lệ xấu về cổ phần hóa. Ảnh minh họa: internet

Lý do chưa thuyết phục

Liên quan tới câu chuyện này, trước băn khoăn của dư luận, các chuyên gia hàng không cho rằng, cần làm rõ những lý do của đề xuất Nhà nước mua lại số cổ phần tại ACV đã bán ra công chúng. Nếu chỉ nói là vì an ninh quốc phòng thì chưa thuyết phục, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện, tạo tiền lệ xấu về cổ phần hóa.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán tại ACV cần được xem xét kỹ lưỡng.

Theo ông Lực, cần làm rõ lý do mua lại có chính đáng không, vì dẫn lý do an ninh quốc phòng chưa thuyết phục. Nếu để đảm bảo an ninh, quốc phòng cần phải được tính toán ngay từ khi nghiên cứu cổ phần hóa, không phải giờ mới tính. Cùng đó, cần làm rõ số cổ phần đã bán ra do ai nắm giữ, nhà đầu tư chiến lược hay nhà đầu tư tài chính.

Nếu các nhà đầu tư tài chính nắm nhiều cổ phần ACV thì không đáng ngại (hiện có 2 quỹ đầu tư nắm đa số cổ phần đã bán ra tại ACV), vì họ chỉ đơn thuần là nhà đầu tư, mua bán kiếm lợi nhuận. Nhà đầu tư tài chính không tham gia hoạt động quản trị, định hướng phát triển, hay kiểm soát hoạt động của ACV.

Theo ông Lực, nếu chưa có lý do thuyết phục, nhà nước mua lại cổ phần tại ACV sẽ tác động tiêu cực đối với tinh thần cổ phần hóa, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài. “Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào quá trình cổ phần hóa của nhà nước với con mắt băn khoăn, vì hôm nay bán nhưng ngày mai có thể thu hồi lại vì lý do nào đó. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này”, ông Lực nói.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn, cho phép ACV nâng cấp, đầu tư hạ tầng khu bay xuống cấp tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất hiện nay, Chính phủ có thể cho phép áp dụng các cơ chế linh hoạt về nguồn vốn. Nếu nguồn vốn không cân đối đủ có thể vay ACV để làm ngay, sau đó thanh toán lại đúng giá thị trường. Hoặc lấy từ nguồn thu sử dụng kết cấu hạ tầng để nâng cấp, đầu tư.

Không nhất thiết vì muốn tạo ra cơ chế cho phép ACV dễ dàng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng lại phải đảo ngược quá trình cổ phần hóa, đưa ACV về lại vai trò doanh nghiệp Nhà nước. Các quy định đang trói mình thì phải tự cởi trói”, ông Thiên nói.

Thực tế, nếu trở lại là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ACV sẽ có lợi ích từ vị thế “độc quyền tự nhiên” khi được giao làm nhà đầu tư các dự án đầu tư tại các cảng hàng không. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ một đơn vị vừa là cấp quyết định đầu tư, vừa là chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị quản lý, khai thác.

Ở chiều ngược lại, nếu tiếp tục thoái vốn nhà nước khỏi ACV theo lộ trình trước đó (Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 65% cổ phần để giữ vai trò kiểm soát), Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu rất lớn từ việc bán cổ phần để đầu tư vào các công trình hạ tầng hàng không khác.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 6: Có nên “tái quốc hữu hóa” ACV? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714268845 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714268845 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10