Quảng Ninh “ươm mầm” cải cách: 10 năm đi tìm phương thức, triết lý phát triển
4 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh được cho là địa phương “ươm mầm” cải cách, vậy, nền tảng nào cho sự “chuyển mình” bền vững của “vùng đất mỏ”?
Phát biểu tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 09/10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, một Quảng Ninh được như ngày hôm nay là hành trình 10 năm liền để tìm phương thức, triết lý phát triển.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, thành công của địa phương đến từ đổi mới tư duy phát triển, tầm nhìn, khát vọng vươn lên và thay đổi chính mình, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó, lấy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khâu đột phá, động lực mạnh mẽ để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, đưa PCI trở thành nguồn lực, động lực, niềm tin và giá trị cho nhà đầu tư và người dân, tạo ra hài hòa mối quan hệ lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
“Thành công ngày hôm nay đến từ sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng trên nền tảng từ truyền thống kỷ luật đồng tâm của Vùng mỏ đến nay vẫn được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh giữ vững, phát huy, mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Thực tế, bình quân tăng trưởng 5 năm qua của tỉnh Quảng Ninh là 10,7%, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, khu vực FDI ngày càng cao, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đọan 2016-2020 nằm trong nhóm 16/63 địa phương dẫn đầu cả nước (tăng 53,1%).
Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của địa phương này không ngừng lớn mạnh trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào ngân sách và tạo nhiều việc làm cho người lao động, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, thế nhưng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 8,6%, cao hơn nhiều so với trung bình trung của cả nước, thu ngân sách đạt 33.527 tỷ đồng (bằng 66% dự toán, bằng 93% so cùng kỳ), thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách có tính động lực, quy mô lớn...
Thành quả này đến từ đâu? Không phải một sớm một chiều, mà nó là một hành trình dài “10 năm liền để tìm phương thức, triết lý phát triển” như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh. Là sự chủ động với tình hình thực tế, quyết đoán, làm chủ mọi bối cảnh cuộc sống.
Nói không xa, từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành và huyện thị có giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh, xác định các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như: Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp như thúc đẩy các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiêp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, tiếp cận vốn; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, đối tác mới,...
Và hiện tại, dù đang là tỉnh thành đứng đầu trên cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 4 năm liên tiếp, thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn quan tâm đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.
Tại buổi làm việc với VCCI vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đề xuất đồng chí Chủ tịch VCCI tiếp tục triển khai ký kết hợp tác giữa VCCI với tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 để triển khai toàn diện trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI; nhất là triển khai thành công mục tiêu Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp...
Hỗ trợ tham vấn Quảng Ninh triển khai xây dựng báo cáo đánh giá 05 năm Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương DDCI Quảng Ninh (giai đoạn từ 2016-2021); từ đó khuyến nghị tham vấn giải pháp tiếp tục triển khai DDCI giai đoạn 2022-2025 trên cơ sở bài học kinh nghiệm về triển khai DDCI của hơn 50 tỉnh/thành trong cả nước.
Xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh khôi phục tình hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
“Xác định cải cách hành chính tiếp tục là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội. Từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh - địa phương “ươm mầm” cải cách
05:11, 10/10/2021
Quảng Ninh hỗ trợ tốt nhất người dân từ phía Nam trở về
20:23, 09/10/2021
Quảng Ninh: Thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp
01:33, 09/10/2021
Quảng Ninh: Doanh nghiệp du lịch khấp khởi "chờ" đón khách ngoại tỉnh
16:00, 08/10/2021
Quảng Ninh: Khơi thông cho các dự án đầu tư công
09:46, 07/10/2021