Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập

GIA NGUYỄN 21/10/2021 04:30

Nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số tồn tại, vướng mắc nhất định trong Luật cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.

Sửa đổi Luật được cho sẽ đảm bảo tương xứng với tiềm năng - Ảnh minh họa

Sửa đổi Luật được cho sẽ đảm bảo tương xứng với tiềm năng - Ảnh minh họa

Cụ thể, việc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp thực thi hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân sách Nhà nước và không phù hợp với bản chất dân sự của quyền SHTT.

Theo Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ, Dự thảo Luật cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về sở hữu trí tuệ, phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về định hướng, giải pháp đối với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Mặt khác, đã đề cập trực tiếp, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng thời gian qua, có những sửa đổi, bổ sung tương thích với cam kết và điều ước quốc tế.

Ngoài ra, theo quy định, việc tạm dừng làm thủ tục Hải quan được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, trong khi, Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ yêu cầu các thành viên áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và sao chép lậu quyền tác giả; thậm chí Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng chỉ yêu cầu mở rộng áp dụng biện pháp này với hàng hóa mang nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) cũng chỉ yêu cầu áp dụng thêm biện pháp này đối với hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý.

Quy định áp dụng biện pháp này đối với các đối tượng như sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật thương mại... là ít khả thi, do việc xác định các yếu tố xâm phạm quyền đối với những đối tượng này là tương đối khó và mất nhiều thời gian, có thể ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa.

Cùng với đó, các quy định về thực thi quyền trong môi trường số hay xử lý tên miền vi phạm pháp Luật SHTT chưa được cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong xử lý.

Chưa kể, nhiều điều luật gây ra những bất cập, từ quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Như theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì “người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”, trong khi Điều 29 Luật SHTT quy định “… trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”.

Các điều ước hội nhập đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền SHTT đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn - Ảnh minh họa

Các điều ước hội nhập đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền SHTT đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng cho rằng, quy định hiện hành đã hạn chế quyền của người biểu diễn, đồng thời gây nhầm lẫn giữa quyền của người biểu diễn và bên đầu tư.

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba quá dài và không tách bạch giữa việc cung cấp thông tin về đơn và phản đối đơn; yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp, khó thực hiện đối với người nộp đơn nhưng không thực sự cần thiết trong thực tiễn thẩm định. Phạm vi đơn đăng ký sáng chế phải chịu kiểm soát an ninh quá rộng, những đặc thù của lĩnh vực sở hữu công nghiệp chưa được quy định khi áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại để giải quyết khiếu nại trong thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp v.v…

Thông tin với báo chí, Cục trưởng Cục SHTT - Đinh Hữu Phí cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung là nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn qua hơn 10 năm thi hành, xử lý các bất cập, vướng mắc của hệ thống SHTT hiện hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT.

Hơn nữa, vừa qua, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã diễn ra sâu rộng với việc ký kết hàng loạt điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ, trong đó có Hiệp định CPTPP và EVFTA. Các điều ước này đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền SHTT đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn.

Việc sửa đổi Luật lần này sẽ tập trung vào các nhóm chính sách lớn, mỗi nhóm sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.

“Trong đó, Ban soạn thảo tập trung sửa đổi quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, kiểm soát chủ động tại biên giới, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế dược phẩm thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường, khả năng chấm dứt hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho công chúng. Các vấn đề khác cũng được sửa đổi, bổ sung liên quan đến đánh giá tính mới và tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp là bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trong văn bằng bảo hộ...”, ông Đinh Hữu Phí thông tin.

Theo Cục trưởng Cục SHTT, một số điều của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký có động lực và cơ hội cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu

    Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu

    04:20, 20/10/2021

  • Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

    04:20, 19/10/2021

  • Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu

    Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu

    04:30, 28/05/2021

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ

    Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ

    15:48, 20/05/2021

  • Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào?

    Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào?

    10:56, 13/05/2021

GIA NGUYỄN