Bất cập Luật Giao dịch điện tử

HUYỀN TRANG thực hiện 09/12/2021 11:06

Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 16 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử đã không còn theo kịp thực tiễn phát triển.

>> Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

Ông Hoà nhấn mạnh, những bất cập này vô hình đã cản trở sự phát triển của nền kinh tế và khiến Việt Nam khó bắt nhịp với nền kinh tế số.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Luật đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Sơ bộ một số bất cập như: Thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi,.. dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử…

Cùng với đó, một số quy định Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đến nay đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng đa dạng các giải pháp, công nghệ nhằm số hóa dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, quy định hiện tại chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, đồng thời thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử.

Quy định hiện tại không mô tả rõ ràng định nghĩa chữ ký điện tử cũng như chưa có hướng dẫn thỏa mãn điều kiện về tính pháp lý của chữ ký điện tử. Ngoài ra theo Luật Giao dịch điện tử, có hai mức độ chữ ký điện tử cơ bản và chữ ký điện tử bảo đảm an toàn, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các mức độ chữ ký điện tử. Điều này dẫn đến việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thực tế còn chưa khả thi như mong muốn.

- Các quy định về hợp đồng điện tử, phương thức điện tử cũng là vấn đề mới và tạo nên nhiều tranh cãi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Trong những năm gần đây, việc gia tăng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội dẫn tới vấn đề xác thực, định danh điện tử sử dụng trong các giao dịch điện tử trở lên phổ biến và đa dạng như: sử dụng tên người dùng và mật khẩu (username/ password), mật khẩu dùng một lần (OTP), sinh trắc học (vân tay, mống mắt)…

Tuy nhiên, hiện tại, Luật Giao dịch điện tử còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử dẫn đến việc khó phân định trách nhiệm các bên khi xảy ra các sự cố liên quan đến xác thực và định danh điện tử, gây ảnh hưởng tới tính pháp lý và sự tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử.

Cùng với đó, phạm vi áp dụng của các hợp đồng điện tử đang có phần bị hạn chế.

Theo quy định tại Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì các giao dịch điện tử được áp dụng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của giao dịch điện tử không áp dụng đối với việc: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét sửa đổi.

>> Rà soát pháp luật: Luật Giao dịch điện tử cần sớm sửa đổi

- Vậy, theo ông cần sửa đổi các quy định này như thế nào?

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005. Để giải quyết được những bất cập như đã nói ở trên, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử trong tương lai cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật cần có quy định rõ ràng về các cấp độ của chữ kỹ điện tử.

Thứ hai, để có thể khắc phục được những bất cập đang tồn tại trong việc giao kết hợp đồng điện tử, nhà nước và các bộ, sở, ban ngành cần có phương án sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan. Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn cần phải có các quy định cụ thể, rõ ràng đối với hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Thứ ba, cần phải sửa đổi, bổ sung thêm những quy định cụ thể về giao kết hợp đồng thương mại để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ này cũng như hoàn thiện cơ chế pháp luật liên quan đến vấn đề này. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử nhiều hơn, vừa cập nhật xu thế thời đại 4.0, vừa đem lại thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước. Tránh xảy ra nhiều tranh chấp không đáng có làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

Thứ tư, ngoài những giải pháp về mặt pháp lý, để phòng ngừa rủi ro trong hợp đồng điện tử, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của hợp đồng điện tử: xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử và hợp đồng điện tử trong doanh nghiệp; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử…

Và cuối cùng là, cần có chiến lược quy hoạch phát triển đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng; cần có những quy định bảo hiểm và đền bù thiệt hại khi có tranh chấp, có sự cố gây mất an toàn, hoặc sự cố nguy cơ gây mất an toàn làm thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch điện tử.

- Xin cảm ơn ông!

Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử

Về đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp; đồng thời không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

    Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

    04:10, 28/11/2021

  • Rà soát pháp luật: Luật Giao dịch điện tử cần sớm sửa đổi

    Rà soát pháp luật: Luật Giao dịch điện tử cần sớm sửa đổi

    04:10, 16/09/2021

  • Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Nguy cơ chồng chéo, xung đột

    Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Nguy cơ chồng chéo, xung đột

    13:23, 31/01/2021

HUYỀN TRANG thực hiện