Mặc dù đã tạo cơ sở pháp lý, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, sau hơn 16 năm ban hành, hiện tại Luật Giao dịch điện tử không còn đáp ứng được thực tiễn…
Luật Giao dịch điện tử 2005 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 với 8 chương, 54 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006, Luật ra đời đã tạo cơ sở pháp lý, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, sau hơn 16 năm ban hành, hiện tại đã không còn đáp ứng được thực tiễn và xu hướng phát triển mới.
Theo các chuyên gia, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam đòi hỏi chính sách cũng phải bám sát với thực tiễn phát triển, được ra đời từ năm 2005, dù đã có nhiều văn bản dưới Luật điều chỉnh, thế nhưng, Luật Giao dịch điện tử vẫn cho thấy những hạn chế, bất cập khi áp dụng vào thực hiện.
Như về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, được quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức”.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới chỉ ban hành các quy định về chữ ký số (Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP; Nghị định 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP và Nghị định 106/2011/ NĐ-CP; Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số - thay thế các Nghị định nêu trên), chưa ban hành quy định cho các loại chữ ký điện tử khác.
Các chuyên gia cho rằng, sự thiếu hụt quy định về các loại chữ ký điện tử không phải chữ ký số dẫn đến tạo sự hiểu lầm, coi chữ ký điện tử chính là chữ ký số; các văn bản quy định, hướng dẫn về áp dụng chữ ký điện tử, chữ ký số sử dụng không đúng khái niệm, tạo sự hiểu lầm chỉ có chữ ký số có đủ giá trị pháp lý, dẫn đến hạn chế sự phát triển của giao dịch điện tử.
Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia đề nghị, ngoài chữ ký điện tử, bổ sung quy định về chữ ký số và làm rõ sự khác nhau giữa hai loại chữ ký này ngay tại Luật Giao dịch điện tử; thay thế quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bằng quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Bổ sung quy định về các loại chữ ký điện tử khác (nếu có thể).
“Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ không chỉ phục vụ giao dịch điện tử giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, mà còn phục vụ giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc đưa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào nhóm Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng (theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP), căn cứ quy định của Luật Giao dịch điện tử về các loại Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (Điều 30) là không phù hợp và không chặt chẽ về pháp lý”, các chuyên gia phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử, vì vậy, chưa có thực tế triển khai các quy định của Nhà nước về định danh điện tử và xác thực điện tử để tổng kết, đánh giá. Để tránh Luật Giao dịch điện tử quy định không thực tế về vấn đề này, đề nghị xem xét chỉ đưa vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi các quy định cơ bản về định danh điện tử, xác thực điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 mặc dù đã có quy định về lưu trữ thông điệp dữ liệu, tuy nhiên, những quy định này vẫn chưa đầy đủ.
Về quy định giao kết và hợp đồng điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử (thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 về thương mại điện tử), trong đó quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử và giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nội dung này.
Tuy nhiên, theo Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong thực tế, một số doanh nghiệp bảo hiểm khi đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn về giao kết hợp đồng điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm được trả lời, hoạt động giao kết hợp đồng bảo hiểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Để tránh các vấn đề bất cập đã nêu, Luật sư Phạm Văn Phát đề nghị, đưa vào Luật Giao dịch điện tử sửa đổi tất cả các quy định chung về giao kết hợp đồng điện tử, chỉ giao Chính phủ quy định các nội dung cụ thể nếu cần thiết.
Luật sư Phạm Văn Phát cũng cho rằng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa quy định về thanh toán điện tử dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP; Nghị định 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
“Vì vậy, để tạo sự thống nhất, đồng bộ cần bổ sung các nội dung quy định về thanh toán điện tử vào Luật Giao dịch điện tử sửa đổi”, Luật sư Phát chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
04:20, 14/09/2021
Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014
04:20, 13/09/2021
Rà soát pháp luật: Thiếu đồng bộ giữa Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai
04:20, 10/09/2021
Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai
04:20, 09/09/2021
Rà soát pháp luật: Luật Xây dựng 2020 còn vướng mắc
04:20, 08/09/2021