Thao túng thị trường chứng khoán - khó xử lý hình sự
Mặc dù hành lang pháp lý đã khá rõ ràng, thế nhưng, hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” bị xử lý hình sự vẫn chiếm một phần nhỏ khiến dư luận hoài nghi về việc bỏ lọt tội phạm...
>> Dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường chứng khoán
Theo đó, trên cơ sở giám sát, thanh tra, kiểm tra từ năm 2020 đến tháng 9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt 659 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng; trong đó, xử phạt 11 tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xác minh, điều tra các vụ việc thao túng, vụ việc hình sự.
Con số trên cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” nói riêng đang có xu hướng ngày một gia tăng. Đáng nói, mặc dù pháp luật quy định rõ về các trường hợp xử lý hình sự trong vi phạm lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt đối với hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý hình sự không nhiều mà chủ yếu chỉ dừng lại việc xử lý hành chính. Điều này khiến dư luận hoài nghi: “Kẻ gian” có đang “lọt lưới”?
Thực tế, trong số hàng loạt các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bị UBCKNN phát hiện tiến hành xử phạt, không ít trường hợp mức phạt lên đến hàng tỷ đồng nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự như:
Cuối tháng 7/2021, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội), với số tiền phạt 940,35 triệu đồng với lý do ông Bê không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, trong khi có quan hệ gần gũi với một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại.
Cụ thể, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB và bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 01/2021, ông Bê tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 02/2021 và mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 03/3/2021, nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.
Hay như, cuối tháng 8/2021, UBCKNN cũng đã phát đi thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng…
Chưa kể, cũng không ít vụ việc trước đó, cơ quan chức năng đã xác định rõ ràng các đối tượng đã thu lợi hàng tỷ đồng từ hành vi thao túng cổ phiếu nhưng việc xử lý vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính như vụ thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (tên cũ là Công ty Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định) hồi trung tuần tháng 9/2020.
Cụ thể, qua giám sát, kiểm tra, xác minh các cơ quan chức năng xác định, bằng hành vi tạo nhiều tài khoản để mua, bán, giao dịch… ông Hoàng Đức Thuận (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tạo cung - cầu giả tạo nhằm cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long thu lợi hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Thuận chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền thu lợi bất chính 3,3 tỷ đồng.
>> Thị trường chứng khoán: Chờ tin từ cuộc họp của Fed
Vậy nguyên nhân từ đâu? Hành lang pháp lý liệu có đang còn “lỗ hổng”? Tại sao đầy tiềm ẩn hệ lụy lại khó xử lý hình sự đến vậy?
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, so với trước đây, pháp luật về Chứng khoán của Việt Nam đã hoàn thiện đáng kể, đặc biệt là các quy đinh đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
“Ví dụ Điều 12, quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán; Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ;...”, Luật sư Phát chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo Luật sư Phát, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cũng đã bổ sung thêm các tội liên quan đến chứng khoán như: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212);… để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Đặc biệt, đối với tội “thao túng thị trường chứng khoán”, so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, thì Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) đã cụ thể hoá căn cứ xác định tội phạm, đối với hành vi có dấu hiệu của tội thao túng thị trường chứng khoán như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;…”, Luật sư Phát nói.
Quy định đã có, vì đâu xử lý hình sự vẫn khó? Luật sư Phát cho rằng, với quy định hiện hành, việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên cho các lỗi trong lĩnh vực chứng khoán (không chỉ là thao túng) cũng sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tội “thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự là tội có cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra.
Trong khi thực tế, để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn, chưa kể số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ… Tiếp đó, cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư cũng rất khó bởi vẫn vướng quy định pháp luật.
Cụ thể, việc đưa ra công thức tính về khoản thu nhập bất chính được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Quyết định số 201/QĐ-UBCK ngày 03/3/2014 quy định về phương pháp tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hoặc hành vi giao dịch nội bộ. Và nếu không chứng minh cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán đã thu lợi bất chính, để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định được nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.
“Để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương cho thị trường chứng khoán, giữ vững niềm tin của nhà đầu tư, trong thời gian tới, UBCKNN cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật…”, Luật sư Phát nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường chứng khoán
04:54, 17/12/2021
Thị trường chứng khoán: Chờ tin từ cuộc họp của Fed
04:50, 16/12/2021
Sáp nhập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam: Không phải là phép cộng
04:30, 16/12/2021
Thị trường chứng khoán vào giai đoạn phân hóa
04:30, 15/12/2021
Chính thức ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
16:00, 11/12/2021