CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn còn bi quan với xu hướng hiện tại cho nên dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Sáp nhập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam: Không phải là phép cộng
Thị trường hôm 16/12 đã biến động mạnh ở nhóm VN30-Index trùng với phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12. Ngược lại, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,08% dừng tại 1.476,61 điểm, HNX-Index tăng 0,73% trong khi UPCoM-Index cũng tăng nhẹ trên tham chiếu. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 29.765 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên 16/12.
Chỉ số VN30-Index ghi nhận 18 mã giảm và 9 mã tăng. Nhóm Ngân hàng, Dịch vụ tài chính là các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số khi VPB (-2,7%), TPB (-1,5%), HDB (-1,2%), ACB (-1,2%), SSI (-1,5%) cùng với PNJ (-2,4%), VRE (-1%)…giảm giá tiêu cực. Ngược lại, POW (6,8%), PDR (3,9%) là 2 bluechips tăng giá tích cực trong phiên hôm nay.
Trái với nhóm vốn hóa lớn, nhóm vốn hoá vừa và nhỏ giữ nhịp tăng với ITA (6,8%), FLC (+6,7%), ROS (+7%), HQC (+6,8%), HAG (+7%), LDG (+7%)…
CTCK MB (MBS) cho rằng, phiên 16/12 là phiên đáo hạn phái sinh nên thị trường có thể thận trọng nhất định. Điều này được thể hiện khi 2 chỉ số quan trọng là VN30-Index và VN-Index dao động lệch pha trong phiên hôm nay, trong đó VN30-Index tiếp tục chìm dần bên dưới tham chiếu, thì VN-Index với sự nâng đỡ của nhóm bất động sản đã kịp hồi phục vào những phút cuối phiên. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap vẫn trong quá trình tìm các đỉnh cao mới khi dòng tiền chủ yếu tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
“Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giằng co mạnh trên đường Middle của dải Bollinger Bands (1.465-1.468 điểm). Đây vẫn sẽ là hỗ trợ gần nhất của chỉ số trong thời gian tới”, chuyên gia MBS nhận định.
Nhận định xu hướng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ vẫn còn giằng co và chỉ số VN-Index tiếp tục đi ngang quanh đường trung bình 20 phiên.
Đồng thời, dòng tiền tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn được xem là tâm điểm của thị trường, chỉ số VNMidcaps đã xác lập mức đỉnh kỷ lục mới và đồ thị giá của chỉ số này vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa đang thu hút dòng tiền tốt hơn.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục cải thiện cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục gia tăng, nhưng tâm lý nhìn chung vẫn còn bi quan với xu hướng hiện tại cho nên dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.
“Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 35-40% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư tránh mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh và chỉ mua vào tại các nhịp điều chỉnh”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.
VNDIRECT: VN-Index có thể lên 1.700 điểm trong năm 2022
CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, áp lực điều chỉnh giảm dần gia tăng khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1.480 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Bên cạnh đó, chỉ số cũng cần thêm thời gian để tích lũy và ổn định lại mặt bằng giá trước khi bước vào xu hướng tăng mới.
Chuyên gia VCBS khuyến nghị, đây là giai đoạn nhà đầu tư nên chủ động tìm kiếm và tích lũy dần các cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn trong năm 2022.
Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), áp lực cung giá cao khiến cho chỉ số tiếp tục có một phiên vượt cản 1.48x điểm bất thành và điều này cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang hiện hữu. Mặc dù vậy, với xu hướng tăng điểm đóng vai trò chủ đạo, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục sau đó vẫn chiếm ưu thế với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.450 điểm. “Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục linh hoạt mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự một phần vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.