Sửa Luật – Tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng
Việc Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung, cho phép mở rộng cơ chế ủy thác xử lý tài sản, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay...
>>Linh hồn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng
Theo đó, sáng 24/01/2022, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật gồm Luật đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đáng nói, trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, đối với Luật Thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” và bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Cụ thể, trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
>>Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách
Đánh giá về những sửa đổi đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng cơ chế ủy thác xử lý tài sản được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” dẫn tới việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp và kém hiệu quả trong thời gian qua.
Thực tế, Báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long cho biết, về kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành hơn 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành hơn 34.000 tỷ đồng; đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng.
Nhìn từ báo cáo đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, con số tài sản tham nhũng đã được thu hồi còn quá khiêm tốn đối với tổng tài sản phải thi hành án và chỉ bằng số lẻ tài sản đang tổ chức thi hành án. Đáng nói, so với năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của năm 2021 đã sụt giảm một cách nhanh chóng khi chỉ đạt 5%, trong khi con số này của năm 2020 đạt hơn 40%.
Vậy, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” và bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản đối với Luật Thi hành án dân sự có gì đáng kỳ vọng?
Chia sẻ với cơ quan báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - Đỗ Đức Hồng Hà cho hay, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp (trung bình 10%) và một trong những “điểm nghẽn” là cơ chế ủy thác xử lý tài sản, bởi trong Luật Thi hành án dân sự bắt buộc thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác. Vì vậy, cơ chế này được kỳ vọng sẽ khắc phục “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua.
Ông Hà ví dụ, theo cơ chế cũ, một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý. Như vậy, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản sẽ phải kéo dài 3 năm. Luật sửa đổi lần này đã bổ sung cơ chế mới, cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương.
“Khi đó, việc này sẽ được xử lý nhanh và triệt để hơn, khắc phục điểm nghẽn trong thời gian qua”, ông Hà nhấn mạnh.
Còn theo đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định ủy thác thi hành án từng phần dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Không chỉ vậy, quy định chờ địa phương này xong thì mới được ủy thác thi hành án ở địa phương kia còn là kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản nên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua rất thấp.
“Với cơ chế mới, Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế”, ông Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, xoay quanh buổi công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật với các vấn đề hoàn toàn khác nhau, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Phan Chí Hiếu cũng cho hay, một luật sửa nhiều luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, kỹ thuật này áp dụng cho một số tình huống cấp bách, đã được nhận thức rõ, đánh giá tác động kỹ lưỡng và các vấn đề nằm trong các lĩnh vực có quan hệ xã hội gần nhau.
Ông Hiếu cũng thừa nhận, việc một luật thông qua nhiều luật cần được hạn chế tối đa vì đây là “kỹ thuật phức tạp chứ không đơn giản”, sau khi luật sửa đổi 9 luật được công bố, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan sẽ hợp nhất các văn bản luật để người dân tiện tra cứu.
Được biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/3/2022.
Có thể bạn quan tâm
Linh hồn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng
15:00, 21/01/2022
Vụ kit xét nghiệm Việt Á cảnh báo “virus tham nhũng” còn rất nhiều
15:44, 12/01/2022
Tín hiệu vui từ cuộc chiến chống tham nhũng
01:00, 16/12/2021
Phòng ngừa tham nhũng trong chi phí phòng, chống dịch
11:44, 08/11/2021
Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách
04:02, 08/11/2021