Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn cần thêm… “trợ lực”
Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh, nhất là khi Nghị quyết số 128/NQ-CP được ban hành và triển khai, thế nhưng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn cần thêm… “trợ lực”.
>>> 9 giải pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong xuất khẩu tiếp tục tăng từ 85,19% năm 2020 lên 86,24% năm 2021. Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với năm trước như: sản xuất kim loại tăng 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%;…
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, công nghiệp chế biến, chế tạo đã tận dụng cơ hội trong dịch bệnh, liên kết trong chuỗi cung ứng được tăng cường vững chắc hơn phục vụ những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…, qua đó từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
>>Hải Dương: Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Thực tế, năm 2022, các ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử,… đều đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, khi các doanh nghiệp dần tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn. Một số ngành công nghiệp như: ô tô, cơ khí, thép… cũng được dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.
Thông tin với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam thời gian qua đã ký kết và tham gia nhiều FTA, giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan. Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.
“Tuy nhiên, để mở được cánh cửa vào thị trường EU với dòng thuế giảm sâu thì Việt Nam cũng cần mở cửa và giảm thuế cho một số mặt hàng của EU. Do đó, ở tầm chiến lược quốc gia phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó. Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ cần chú trọng giải quyết vấn đề này”, ông Giang đề xuất.
Theo ông Giang, thời gian qua, Vitas đã phối hợp chặt chẽ và đóng góp ý kiến cho Cục Công nghiệp để hoàn thiện chiến lược phát triển ngành dệt may từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 - 2045. Hy vọng Chiến lược sẽ sớm được trình lên Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phê duyệt và ban hành, tạo hành lang pháp lý huy động sự tham gia của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp trong phát triển ngành dệt may giai đoạn mới.
Còn theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2022 VSA dự kiến tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.
“Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép. Dù vậy, để đảm bảo cân đối cung - cầu năm 2022, VSA khuyến nghị Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài”, ông Đa chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VSA cũng mong muốn, cơ quan Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Được biết, để giải quyết những tồn tại, tạo động lực cho ngành công nghiệp phát triển, trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cũng đã yêu cầu Cục Công nghiệp tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi công nghiệp, thương mại trong bối cảnh COVID-19 và hậu COVID-19; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề án, kế hoạch và chuẩn bị nội dung cho việc tổng kết mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Phát triển công nghiệp; có các chính sách, cơ chế nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đủ sức tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đủ sức đầu tư ra nước ngoài để có khả năng tiếp cận công nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và thay đổi tầm nhìn.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Cục Công nghiệp cần tập trung nghiên cứu, tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp,… để tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, luyện kim, cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử,…
Có thể bạn quan tâm
VCCI thăm, chúc tết Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội
16:45, 07/02/2022
Bất động sản công nghiệp trước sức ép của khối ngoại
20:00, 06/02/2022
Giảm rác thải công nghiệp từ ắc quy phế liệu
03:00, 06/02/2022
Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
03:41, 04/02/2022
Triển vọng lạc quan bất động sản khu công nghiệp 2022
11:00, 27/01/2022