Xây dựng chính sách, pháp luật - Phát huy nguồn lực từ đất đai
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xây dựng chính sách, pháp luật phải bảo đảm đồng bộ; phù hợp với thể chế...
>>Chậm sửa Luật Đất đai có thể gây ra nhiều hệ lụy
Là một trong những tài nguyên quan trọng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước những năm vừa qua, thế nhưng, nguồn lực từ đất đai vẫn chưa được phát huy một cách hiệu quả khi vẫn còn đó tình trạng đất nông nghiệp để hoang hóa; việc xây dựng nhà cửa, sử dụng trái phép đất nông nghiệp vẫn còn; đặc biệt, nhiều diện tích đất đã giao rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích, nhất là các dự án treo,…
Thực tế, qua số liệu tổng hợp theo dõi của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho thấy, nguồn thu về đất đai liên tục tăng qua các năm, cụ thể: năm 2013 là 63.681 tỷ đồng; năm 2014 là 69.580 tỷ đồng; năm 2015 là 102.045 tỷ đồng; năm 2016 là 145.801 tỷ đồng; năm 2017 là 185.957 tỷ đồng; năm 2018 là 217.699 tỷ đồng; năm 2019 là 232.689 tỷ đồng; năm 2020 là 254.854 tỷ đồng và đến 21/12/2021 đạt 172,25 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa cao gấp 3,5 lần năm 2015).
Thế nhưng, theo các chuyên gia, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh từ sự chồng chéo với các luật liên quan; chưa bao phủ được toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống;… dẫn tới những ách tắc, vướng mắc trong thực thi, chưa phát huy được nguồn lực của đất đai. Đáng nói là việc chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, dẫn tới các vụ phức tạp liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022.
Và tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sáng 14/02 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân, nên việc tổng kết cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
>>> Sửa Luật Đất đai 2013: Giữ quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai
Thủ tướng chỉ rõ một số nguyên tắc rất cơ bản mà việc tổng kết Nghị quyết cần lưu ý là việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam; việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường; các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, khuyến khích và lắng nghe các ý kiến phản biện từ nhiều góc cạnh. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề có lý, có tình nhưng chưa có sự đồng thuận cao, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Với những vướng mắc về thể chế, cần nêu rõ vướng mắc ở đâu, chủ thể nào, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi đưa ra chính sách mới cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, phân định rõ hơn vai trò của Nhà nước khi đại diện chủ sở hữu và khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước về đất đai. Quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, đột phá, ổn định nhưng linh hoạt, mang tính tổng thể, toàn diện, liên thông. Việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Biên tập và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, các Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các đối tượng mà các quy định của pháp luật về đất đai có điều chỉnh, có quyền lợi, nghĩa vụ để chắt lọc, thống nhất, hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đây không chỉ thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên quan điểm về đổi mới thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai, mà còn là động lực phát huy nguồn lực từ đất đai trong giai đoạn tới, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Được biết, để tránh lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng đất đai, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Theo đó, xác định rõ mục tiêu bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%. Nghị quyết cũng quy định sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật đất đai: Cần chính sách đất đai nông nghiệp phù hợp
21:38, 25/07/2021
Chậm sửa Luật Đất đai có thể gây ra nhiều hệ lụy
16:52, 21/07/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Giữ quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai
14:00, 21/07/2021
Lùi sửa Luật đất đai 2013: Chậm mà chắc
05:10, 02/07/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Cần thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015 về hiệu lực của hợp đồng
04:00, 17/06/2021