Việc Luật Đất đai 2013 tiếp tục không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021 được cho là bước đi chậm chắc trong công tác sửa đổi đạo Luật này.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học QGHN, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc sửa đổi Luật đất đai 2013 tiếp tục “trễ hẹn” khiến các doanh nghiệp một lẫn nữa hụt hẫng tuy nhiên xét một cách tổng quan đây tiếp tục là một bước đi cần thiết.
- Theo bà nguyên nhân khiến tiến độ sửa đổi Luật đất đai 2013 hơn một lần "trễ hẹn" do đâu?
Có thể thấy dự án sửa Luật đất đai lần này là một dự án rất phức tạp khi mà đã ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi nhưng vẫn còn tồn tại bất cập, chồng chéo.
Việc thận trọng, xem xét kỹ có thể hiểu được bởi việc sửa đổi Luật đất đai 2013 sẽ phải xử lý được những những tồn tại hiện hữu liên quan đến đất đai trong một loạt Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch,… Và việc lùi này là hợp lý để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng bởi ảnh hưởng của Luật đất đai là rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Thời gian qua, những vướng mắc liên quan đến Luật đất đai 2013 đã được các doanh nghiệp chỉ ra, các chuyên gia mổ xẻ, phân tích và ngay cả Chính phủ, các Bộ ngành mà trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng,… cũng đã thừa nhận còn nhiều điểm chưa hoàn thiện trong Luật đất đai 2013.
Thực tế cho thấy, đang có hàng loạt vướng mắc nóng đang chờ Luật Đất đai sửa đổi điều chỉnh như lợi ích của các doanh nghiệp về đất nhà ở, đất tôn giáo, đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, đất trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng,…đặc biệt là vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất đô thị và đất xây dựng cũng như đất kinh doanh đầu tư dịch vụ thương mại.
- Vậy theo bà, trong khi chờ đợi Luật đất đai sửa đổi thì đâu sẽ là những giải pháp tình thế tối ưu?
Trong khi tiếp tục chờ giải pháp “căn cơ” là Luật đất đai sửa đổi thì các doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp bất động sản rất cần những tháo gỡ trước mắc thông qua những văn bản dưới Luật bởi đất đai là yếu tố quan trọng quyết định đến thành bại của dự án bất động sản.
Tôi cho rằng nên xem việc tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai là giải pháp cấp bách để giúp các doanh nghiệp bất động sản vực dậy sau hàng loạt khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh các giải pháp giãn thuế, tiền thuê đất, giãn nợ, cơ cấu nợ... cần có giải pháp khơi thông dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận quỹ đất sạch.
Như đã có nhiều chuyên gia có ý kiến thì trong thời gian tới, Chính phủ cần tích cực ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất một cách bình đẳng, hạn chế việc xin - cho, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cần có những văn bản hướng dẫn Luật hiện hành cụ thể, rõ ràng để các địa phương thực hiện việc thu hồi theo phương án hợp lý, cụ thể để nâng cao tính khả thi của văn bản.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Cần phải viết lại Luật Đất đai 2013 vì luật làm năm 2013 tiếp cận theo hướng quyền lực quản lý của nhà nước và khác hoàn toàn với Luật Đất đai 2003 tiếp cận theo hướng thị trường. Việt Nam hiện nay đang áp dụng cả văn phòng đăng ký đất đai và văn phòng công chứng nên đang chồng chéo. Cách xây dựng luật hiện nay là luật nọ mâu thuẫn luật kia. Việc này đã được đề xuất thống nhất dùng một văn phòng nhưng chưa được sửa đổi. Ông Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính Tôi cho rằng, không nên sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 vì sửa đâu sai đó. Để khắc phục bất cập hiện nay nên xây dựng một bộ luật đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013 với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thống nhất. Việc xây dựng luật nên giao cho cơ quan lập pháp xây dựng chứ không nên giao cơ quan hành pháp vì nếu cơ quan hành pháp xây dựng sẽ gây ra tình trạng làm có lợi cho mình. |
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai 2013: Cần thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015 về hiệu lực của hợp đồng
04:00, 17/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Cần thống nhất khái niệm các loại hợp đồng
04:00, 16/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Xác định rõ các thành viên đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình
04:00, 14/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Thống nhất thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
04:00, 13/06/2021