Vì sao đình công xảy ra nhiều tại doanh nghiệp FDI miền Trung?

NGỌC THÁI 19/02/2022 03:40

Lương cơ bản và các chế độ phúc lợi lại đang “nóng” khi nhìn vào những cuộc đình công, ngừng việc tập thể liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung.

>>Nghệ An: Vì sao công nhân nhà máy may Viet Glory liên tục đình công?

Ngày 16/2/2022, Hàng trăm công nhân Công ty Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngừng việc tập trung tại trụ sở công ty vì cho rằng lương và phụ cấp quá thấp. Trước đó, ngay ngày đầu tiên đi làm sau tết, 5.000 công nhân nhà máy may, giày da Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An ngừng việc tập thể vẫn với bức xúc vì chế độ lương.

br class=

Hơn 200 công nhân công ty Havina Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đình công yêu cầu tăng lương.

Đình công xảy ra liên tục ở doanh nghiệp FDI

Tại các tỉnh miền Trung, các nhà đầu tư FDI tập trung xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sử dụng nguồn nhân công lớn tại chỗ như may mặc, giày da, linh kiện điện tử…

Một số tỉnh khu vực miền Trung cũng đẩy mạnh chuyển đổi hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở những vùng nông thôn để tập trung thu hút các doanh nghiệp giày da, may mặc FDI về đây để giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế cùng với tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương đã có chuyển biến rõ rệt.

Vậy nhưng, điều đáng quan tâm, mặc dù các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư FDI vào Việt Nam như vậy nhưng ngược lại chính sách của doanh nghiệp đối với lao động lại chưa thỏa đáng, dẫn đến người lao động vùng nông thôn (chiếm 70% cơ cấu nguồn lao động) vẫn không mặn mà bám trụ với công ty được xây dựng ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình. Nguyên do là sự bất cập về chế độ tiền lương, phụ cấp an sinh… nên mặc dù có việc làm ổn định nhưng thu nhập của họ lại không thể đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của gia đình mình.

>>Hà Tĩnh: Hơn 200 công nhân công ty Havina Hồng Lĩnh ngừng việc

Bằng chứng là sau một thời gian ngắn được ký hợp đồng vào làm việc, liên tục những ngày đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng loạt các vụ đình công, nghỉ việc tập thể của công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh do vốn FDI đầu tư xây dựng đã xảy ra. Ví dụ như hàng trăm công nhân Công ty Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngừng việc tập trung; 5.000 công nhân Nhà máy may, giày da Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An ngừng việc tập thể...

Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hàng nghìn lao động địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán về cân đối chi phí đầu vào, tài chính đầu ra làm sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là những doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài 100% (FDI) ở các địa phương. 

Một số công nhân cho rằng, so với hiệu suất lao động như vậy thì một số tỉnh thành phía Nam, doanh nghiệp sẽ trả lương cao hơn nhiều lần.

Bất cập từ lương tối thiểu vùng

Trở lại cuộc đình công của khoảng 5.000 công nhân nhà máy may, giày da Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An xảy ra từ ngày 07 đến 14/2 vừa qua, khi phúc đáp kiến nghị của công nhân, đại diện Viet Glory cũng trả lời họ đang chấp hành tốt quy định pháp luật của Việt Nam về mức lương tối thiểu vùng, thậm chí còn trả cao 600 nghìn đồng/tháng.

Theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 sẽ được phân chia thành nhiều vùng để làm cơ sở cho doanh nghiệp sử dụng lao động có ký kết hợp đồng chi trả tiền lương.

Theo đó, sẽ có 04 mức lương tối thiểu để doanh nghiệp làm cơ sở chi trả gồm: a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Vùng III, IV sẽ áp dụng mức lương tối thiếu cho các địa phương còn lại, tuỳ theo mức phát triển kinh tế - xã hội và chủ yếu rơi vào các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Còn theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Và, theo Điều 91 của Bộ luật Lao động cũng quy định mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với các diễn biến đình công như hiện nay, bức tranh về khủng hoảng nguồn lao động tiên lượng sẽ còn rất phức tạp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh: Hàng trăm công nhân Apparel Tech vẫn chưa trở lại làm việc

    Hà Tĩnh: Hàng trăm công nhân Apparel Tech vẫn chưa trở lại làm việc

    17:27, 18/02/2022

  • Vụ công nhân ngừng việc: 21 kiến nghị được giải đáp, công nhân trở lại làm việc

    Vụ công nhân ngừng việc: 21 kiến nghị được giải đáp, công nhân trở lại làm việc

    18:11, 16/02/2022

  • Công nhân ở Nghệ An lại đình công đòi quyền lợi

    Công nhân ở Nghệ An lại đình công đòi quyền lợi

    21:47, 15/02/2022

  • Tăng lương lên 6%, tất cả công nhân Viet Glory đã quay lại làm việc

    Tăng lương lên 6%, tất cả công nhân Viet Glory đã quay lại làm việc

    15:41, 14/02/2022

  • Nghệ An: Công nhân nhà máy may Viet Glory vẫn chưa làm việc trở lại

    Nghệ An: Công nhân nhà máy may Viet Glory vẫn chưa làm việc trở lại

    16:31, 10/02/2022

  • Nghệ An: Vì sao công nhân nhà máy may Viet Glory liên tục đình công?

    Nghệ An: Vì sao công nhân nhà máy may Viet Glory liên tục đình công?

    13:00, 09/02/2022

NGỌC THÁI