“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức
Nhiều thầy thuốc vốn đang được người đời nể trọng thì bỗng chốc họ phải ra trước vành móng ngựa với còng số 8 trên tay. Phải chăng, lời thề Hippocrates đang “ám” vào những kẻ phản bội lời thề?
>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"
Những kẻ phản bội…
Những ngày cuối năm 2021, giới chức y tế TPHCM và người dân TP.Thủ Đức bất ngờ khi nghe tin Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức bị bắt giam do thông đồng với doanh nghiệp để mua thiết bị vật tư y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ông Nguyễn Minh Quân được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức từ năm 2007. Ông Quân là tiến sĩ ngành y tế cộng đồng (2019), được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc nâng tầm bệnh viện này, đưa Bệnh viện TP.Thủ Đức trở thành một "hiện tượng của ngành y tế".
Với lý lịch "khủng" như vậy, TS Quân lại vướng vào vòng lao lý, bị bắt tạm giam vì gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước khiến dư luận bất ngờ. Như vậy, thêm một trí thức ngành y lại vướng vòng lao lý.
Trước đó, vụ án VN Pharma cũng làm nhiều trí thức ngành y vào tù như thứ trưởng Bộ Y tế TS Trương Quốc Cường; người bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật có GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng TS-BS Nguyễn Trường Sơn.
Quay trở lại năm 2017, trong vụ án VN Pharma gây chấn động dư luận đã để cho ngành y những bài học đau lòng. Tất cả họ phải trả giá vì để đồng tiền che khuất những điều tốt đẹp của y đức, đạo đức nghề nghiệp. Buôn bán thuốc giả đã là tội ác, bán thuốc điều trị ung thư giả cho người bệnh nan y, tội lỗi ấy gấp trăm, ngàn lần. Con số 7,5 tỷ đồng mà VN Pharma khai là để chi hoa hồng cho các bệnh viện hay bác sĩ vẫn chưa rõ ràng nhưng nó cho thấy một góc rất tối của ngành dược lẫn y đức. Nhiều lần dư luận xã hội lên tiếng về sự xuống cấp của y đức nhưng y đức vẫn là vấn đề nóng bỏng làm xói mòn lòng tin của người dân, làm người bệnh càng đớn đau trong bệnh tật.
Sinh viên ngành y nào cũng thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, trong đó có nội dung: "Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công". "Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân ái"... Vậy đó, nhưng đồng tiền lăn tròn trên y đức. Và dường như y đức ngày càng bị xem nhẹ.
Điển hình là những “phi vụ” nhận “lại quả” hàng chục tỉ đồng của một số lãnh đạo CDC trên cả nước liên quan đến Công ty Việt Á vẫn đang gây bức xúc dư luận. Điều đáng nói, đây là một vụ án có quy mô, phạm vi trải khắp các địa phương, ngành dọc. Rồi đây, không biết sẽ còn bao nhiêu lãnh đạo ngành y phải trả giá trong vụ án này?
Hay như vụ án nâng giá thiết bị y tế "xã hội hóa" để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai cũng là một dẫn chứng. Vị giám đốc liên quan ấy chính là Nguyễn Quốc Anh - là một bác sĩ có học hàm học vị PGS-TS, từng được phong Anh hùng Lao động, là Thầy thuốc nhân dân, từng được vinh danh là một trong những "Nhà lãnh đạo giỏi" của cả nước và danh hiệu, phần thưởng cao quí khác, vậy mà phải vào tù chỉ vì y đức xói mòn.
Và mới đây, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn làm giám đốc. Ông Tuấn cũng là GS-TS, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV, cũng bị đồng tiền đè đến tiêu tan sự nghiệp.
Trước đó, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta hồi tháng 4/2020, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc CDC Hà Nội cũng vào tù vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR. Vụ án này gây chấn động trong ngành, khiến nhiều địa phương đã mua máy xét nghiệm PCR giá cao tìm cách "chạy tội" cuống cuồng! Đồng tiền đã từng "đè chết" nhiều quan chức cấp cao; đồng tiền "đè chết" nhiều vị trí thức ngành y có học hàm học vị cao chót vót.
>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng
Lời cảnh tỉnh những kẻ có ý định “nhúng chàm”
Còn nhớ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra thực tế "rất đáng lo ngại" rằng thời gian qua khi nhiều bác sĩ vướng vào vòng lao lý và đặt vấn đề: "Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?".
"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước" - đại biểu Long nói.
Khẳng định quan điểm mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh, tuy nhiên, ông Long cho rằng, trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì "đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội và quản trị đất nước, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp", ông Long phát biểu.
Quay trở lại vấn đề y đức hiện nay, không phải mọi bác sỹ đều quên Lời thề Hippocrates. Nhưng chắc chắn vẫn có không ít người cố tình không nhớ những lời thiêng liêng đó khi nhắm mắt nhận những đồng tiền “nhơ bẩn”. 7,5 tỷ của VN Pharma, hay vài chục tỉ đồng của Công ty Việt Á mới đây không chỉ là một đòn đau đánh vào danh dự của ngành y. Nó còn là sự thách thức với tất cả những ai đã đọc lời thề “suốt đời hành nghề trong sự vô tư, thân ái”. Bởi, y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh nữa, bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề, để những “con sâu” không còn cơ hội làm giàu trên lưng người bệnh.
Những năm gần đây, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Tiêu chí “không có vùng cấm” đã được thể hiện rõ nét trong nhiều vụ án, hàng loạt lãnh đạo, quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc phải hầu tòa. Việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với những sai phạm đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Kỷ luật cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm. Việc xét xử minh bạch sai phạm của những người từng giữ chức vụ cao vừa có tính răn đe, vừa góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sau những bản án được tuyên, mỗi người đều phải trả giá cho những sai lầm của họ. Đó cũng là những bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định “nhúng chàm”.
Có thể bạn quan tâm