“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

Diendandoanhnghiep.vn “Lò” tham nhũng vẫn cháy không ngừng nhưng với ngành Y lại không có biến chuyển. Tiêu cực trong ngành này như một thứ bệnh nhờn thuốc, ngày càng bộc lộ nhiều “khối u” di căn từ nơi này, đến nơi khác…

hihhi

Các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại CDC Hà Nội trong một phiên tòa

Mới đây, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định cách tất cả các chức vụ và buộc thôi việc một đương kim Thứ trưởng và một cựu Thứ trưởng ở Bộ Y tế đã và đang gây xôn xao dư luận. Những sai phạm của hai ông thứ trưởng này liên quan đến ngành dược.Và suốt thời gian qua, việc người dân phải mua thuốc giả với giá “trên trời” là nỗi đau không chỉ của người bệnh, người yếu thế mà còn là nỗi đau chung của toàn xã hội.

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành Y diễn ra đã làm hoen ố đi hình ảnh người thầy thuốc,  dường như những hình ảnh “Lương y như từ mẫu” đã quá xa vời. Còn nhớ ngày 12/12/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội và các thuộc cấp phải đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án bởi hành vi thông đồng, nâng "khống" giá máy xét nghiệm COVID-19 gây phẫn nộ dư luận xã hội. Ông Cảm bị kết án 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều đồng phạm khác cũng bị kết án 5 năm, 6 năm.

Tuy nhiên, mức án trên dành cho các bị cáo vẫn không khiến dư luận thôi bức xúc, bởi trong khi cả nước đang “chống dịch như chống giặc” thì những con người của ngành Y đáng lẽ phải là những chiến sĩ tiên phong nơi tuyến đầu lại lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để trục lợi. Vụ việc này là minh chứng  rõ ràng nhất cho thực trạng tham nhũng “ăn không chừa một thứ gì” trong nội tại ngành Y hiện nay.

Theo dõi vụ việc, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Đảng, Nhà nước đang quyết liệt chống tham nhũng. Trong nhiều năm “lò” tham nhũng luôn cháy bất kể “củi tươi, hay củi khô” nhưng ngành Y lại không có chuyển biến lớn. Nhiều người ví tiêu cực trong ngành Y không khác nào một căn bệnh nhờn thuốc, ngày càng bộc lộ nhiều “khối u” di căn từ đơn vị này, đến đơn vị khác. Ngành Y vốn từng nêu khẩu hiệu mạnh mẽ chống tham nhũng vặt - một kiểu tham nhũng làm bào mòn niềm tin của nhân dân.

Nhưng thời gian qua nhiều vụ việc cho thấy cấp độ tham nhũng trong ngành này đã nâng lên thành tham nhũng lớn, tham nhũng có hệ thống như vụ việc tại CDC Hà Nội, vụ nâng khống máy móc thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai...hay mới đây là hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương là những ví dụ điển hình.

>>Hai lỗ hổng cho “thổi giá” trang thiết bị y tế

Quay trở lại vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội đã được đưa ra xét xử nhưng rõ ràng dư âm của nó vẫn hiện hữu. Theo lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thì đây là vụ án có tính chất mở đầu, là phát súng lệnh vào “thành trì” tham nhũng của ngành Y.

Từ vụ án này, một "tảng băng chìm" về thực trạng nâng "khống" giá thiết bị y tế dần lộ diện... là một bài học cảnh tỉnh cho các bệnh viện, trung tâm y tế về mua sắm, đấu thầu các thiết bị y tế trong điều kiện cần mua sắm ngay các thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa lúc đại dịch diễn biến phức tạp cũng chính là thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi khi giá thiết bị y tế tiệm cận với giá trị thực thì người dân sẽ được hưởng lợi.

Trước đó, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Lợi dụng tình trạng dịch bệnh, Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thỏa thuận giá mua máy xét nghiệm cùng các vật tư khác trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường. Giám đốc CDC Hà Nội cũng câu kết với Nguyễn Trần Duy gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an (thời điểm này là Cục trưởng C03 chỉ đạo trực tiếp vụ án) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng có sự móc nối của cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp, công ty thẩm định nhằm nâng "khống" giá thiết bị y tế để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước. Trong đó, cơ sở y tế, khám chữa bệnh (chủ đầu tư) sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế (nhà thầu) được trúng gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế bằng cách cài điều kiện, cấu hình mang tính chất định hướng chỉ duy nhất 1 nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật, còn các nhà thầu khác sẽ bị loại ngay từ vòng "gửi xe". 

Việc "thổi giá" hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sử dụng các công ty con hoặc các công ty mua bán hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau trong thời gian ngắn. Như vụ án này, các đối tượng đã mua bán máy xét nghiệm lòng vòng qua 4 công ty trong chưa đến 2 ngày, nâng giá trị máy từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng (cao gấp 3 lần giá trị thực của máy). Sau đó, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ đó đề xuất mức giá và CDC Hà Nội "nhắm mắt" mua vào. Đáng chú ý, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất chi 15% giá trị gói thầu để "lại quả" cho Nguyễn Nhật Cảm nếu thương vụ thành công.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26/5/2020 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vụ án tại CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ngoài gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 trên, từ năm 2019 đến tháng 3/2020, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu với 16 gói thầu mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao trị giá hơn 81 tỷ đồng. Cùng với đó là 2 gói thầu thiết kế, in ấn các tài liệu và phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.

hihhi

Loạt cựu lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai trong một phiên tòa

Sau "phát súng mở màn" này, ngày 25/9/2020, dư luận bàng hoàng khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, khởi tố bị can, bắt tạm giam một loạt lãnh đạo Bệnh viện này về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế; chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Theo đó, tháng 1/2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị hai loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỷ đồng, robot Mako có giá 44 tỷ đồng. Thời điểm trên, Công ty BMS vẫn chưa nhập robot Rosa, song Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật để cấp "khống" chứng thư thẩm định 2 robot trên theo giá đưa ra là 39 và 44 tỷ đồng (trong khi giá trị thực của robot Rosa chỉ 7,4 tỷ đồng, tức nâng "khống" gấp 5 lần).

Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng C03 khẳng định, cần phải nhìn nhận việc triển khai đề án xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2007 đến nay là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là giải pháp đầu tư phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng lực khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách.

Tuy nhiên, qua điều tra, trong số 25 hệ thống đang hoạt động (10 đề án đã thanh lý hợp đồng) với tổng doanh thu hơn 2.560 tỷ đồng, các hệ thống máy đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện đều có dấu hiệu vi phạm: Vi phạm từ khâu lập đề án, đấu thầu, thẩm định giá, xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh, thu chi tài chính; việc các doanh nghiệp nâng giá cao.

Việc nâng "khống" như trên không chỉ nhằm tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, tăng thời gian sử dụng máy lên nhiều năm mà còn tăng khấu hao gấp nhiều lần, gây thiệt hại cho người bệnh, quỹ Bảo hiểm xã hội và tài sản của bệnh viện. Xử lý hai vụ án tại CDC Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, doanh nghiệp câu kết kiếm tiền bất chính trên nỗi đau của người bệnh.

Còn nữa…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì" tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714164350 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714164350 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10