Nhìn thẳng - Nói thật

Chống tham nhũng: Sự nghiêm minh của thể chế và áp lực phải đi đến tận cùng

Nguyễn Giang 08/07/2025 11:05

Những thành quả bước đầu của cuộc chiến chống tham nhũng đang đặt ra một thách thức lớn hơn: liệu chúng ta có đủ quyết tâm, đủ thể chế và đủ minh bạch để đi đến tận cùng?

"Đẩy nhanh điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí" – thông điệp ngắn gọn nhưng đầy tính hiệu triệu được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong hội nghị toàn quốc sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm 2025.

Từ phát biểu chỉ đạo này, có thể nhìn thấy một thái độ không khoan nhượng, tiếp nối và làm sâu sắc thêm tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong suốt hành trình đấu tranh phòng chống tham nhũng những năm gần đây.

chong-tham-nhung-su-nghiem-minh-cua-the-che-va-ap-luc-phai-di-den-tan-cung-1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Quan trọng hơn, tinh thần ấy đã được lượng hóa bằng những con số biết nói. Trong nửa đầu năm 2025, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng, hơn 7.200 đảng viên. Riêng cấp Trung ương, 11 cán bộ cao cấp đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có những người từng giữ vị trí then chốt. Cơ quan tố tụng khởi tố hơn 1.100 vụ án, xét xử sơ thẩm 756 vụ, với tổng số hơn 2.300 bị cáo. Hơn 100.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng đã được thu hồi hoặc đề xuất thu hồi, kèm theo 617 ha đất. Thanh tra, kiểm toán cũng đã chuyển 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Những con số ấy không tự đến. Đó là hệ quả của một tiến trình đấu tranh bền bỉ, được dẫn dắt bởi ý chí chính trị mạnh mẽ và những cải cách thể chế có trọng điểm.

Thực tế cho thấy, những vụ án lớn được đưa ra ánh sáng gần đây từ các đại án tại EVN, Bệnh viện Bạch Mai đến loạt vụ liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, hay các sai phạm trong đấu thầu, mua sắm công, đầu tư hạ tầng cho thấy, nguồn cơn tham nhũng không chỉ nằm trong khu vực hành chính nhà nước. Nó còn ẩn sâu trong mối quan hệ cộng sinh giữa một, bộ phận công chức tha hóa và các nhóm lợi ích trong khu vực doanh nghiệp.

Đặc biệt, các lĩnh vực “nóng” như đầu tư công, y tế, giáo dục, tài nguyên – môi trường vẫn là điểm nghẽn lớn trong quản trị liêm chính. Hệ sinh thái tham nhũng đã hình thành những “mắt xích” vững chãi mà nếu không có sự vào cuộc tổng lực từ nhiều phía, rất khó tháo gỡ.

Cần nhấn mạnh rằng, sự nghiêm minh của thể chế không chỉ thể hiện qua việc xử lý một vài cá nhân, mà phải là khả năng phát hiện và triệt tiêu những điều kiện sinh ra tham nhũng. Đó là minh bạch trong xây dựng chính sách, là trách nhiệm giải trình ở mọi cấp, là quyền tiếp cận thông tin của người dân, là vai trò giám sát độc lập của báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội.

chong-tham-nhung-su-nghiem-minh-cua-the-che-va-ap-luc-phai-di-den-tan-cung-2.jpg
Toàn cảnh phiên tòa xét xử 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương.

Một thực tế đáng lưu tâm: chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2024 vẫn chỉ ở mức 40/100 điểm, xếp hạng 88/180 quốc gia – một bước thụt lùi so với kỳ vọng. Điều đó cho thấy dù quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ, nhưng niềm tin xã hội vào hiệu quả kiểm soát quyền lực vẫn chưa tương xứng. Điều này đòi hỏi không chỉ sự tiếp tục xử lý quyết liệt, mà còn cần một chiến lược bền vững hơn để “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng.

Thực trạng cho thấy một khoảng trống không nhỏ trong kiểm soát quyền lực ở cấp cơ sở. Nơi đây, tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra phổ biến, từ giấy phép xây dựng, đấu giá đất, đến các dự án nông thôn mới, mua sắm thiết bị trường học, đấu thầu thuốc BHYT… Những hành vi này ít khi được phát hiện do chính các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở địa phương thường không độc lập. Muốn kiểm soát được tận gốc, cần hoàn thiện thể chế giám sát nội bộ, đồng thời tăng quyền giám sát xã hội một cách thực chất.

Không kém phần quan trọng là việc truy vết dòng tiền, tài sản tham nhũng. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hóa quản lý tài sản, thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tố tụng, ngân hàng, thuế, hải quan... Đồng thời, cần mở rộng hợp tác quốc tế để kịp thời phong tỏa và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài, điều đã được nêu trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cuộc chiến chống tham nhũng, vì thế, không thể xem là cuộc đấu tranh ngắn hạn hay chỉ mang tính nhiệm kỳ. Đó phải là một tiến trình liên tục, trong đó mỗi bước đi đều phải được gắn với cải cách thể chế, nâng cao đạo đức công vụ và thúc đẩy sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Nếu không, những kết quả bước đầu – dù ấn tượng cũng có thể bị cuốn trôi bởi sự trì trệ và tâm lý tự mãn.

Chống tham nhũng không phải để xây dựng hình ảnh, mà là để bảo vệ niềm tin, để giữ vững kỷ cương, để duy trì công lý và tạo nền tảng phát triển bền vững. Khi sự nghiêm minh trở thành thuộc tính tự nhiên của thể chế, thì cuộc chiến ấy mới thực sự đi đến tận cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống tham nhũng: Sự nghiêm minh của thể chế và áp lực phải đi đến tận cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO