Nhìn thẳng - Nói thật

Cất cánh từ thể chế – Bài 3: Không thể cải cách nếu người thực thi không thay đổi

Nguyễn Giang 18/05/2025 12:00

Nghị quyết 68 yêu cầu cải cách thể chế đi đôi kỷ luật thực thi. Nhưng cán bộ nhũng nhiễu, lạm quyền vẫn là rào cản vô hình khiến doanh nghiệp bất an…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở những bài trước, sau khi lời hiệu triệu cải cách được phát đi từ Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh thần đột phá thể chế cũng được cụ thể hóa ngay trong Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68), kỳ vọng cải cách đã thực sự chuyển sang một giai đoạn mới, từ khẳng định về chủ trương sang thúc đẩy hành động thực chất.

Theo các chuyên gia, để hành động ấy thành hình, thì điểm xuất phát không nằm ở đâu khác ngoài thái độ và trách nhiệm của đội ngũ công quyền.

cat-canh-tu-the-che-khong-the-cai-cach-neu-nguoi-thuc-thi-khong-thay-doi-2.jpg
Báo cáo PCI 2024 do VCCI công bố đã phơi bày một thực tế đầy nghịch lý: Trong khi tinh thần cải cách từ trung ương đã lan tỏa rõ nét, thì hành vi ứng xử của không ít cán bộ cơ sở vẫn còn xa vời với chuẩn mực hành chính phục vụ. Ảnh: Nguyễn Giang

Từ PCI đến mệnh lệnh cải cách

Báo cáo PCI 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã phơi bày một thực tế đầy nghịch lý: Trong khi tinh thần cải cách từ trung ương đã lan tỏa rõ nét, thì hành vi ứng xử của không ít cán bộ cơ sở vẫn còn xa vời với chuẩn mực hành chính phục vụ. Gần 37% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả chi phí không chính thức, tăng so với 33% năm 2023.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải "bôi trơn" khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên tới 55%, thủ tục về đất đai là khoảng 50%. Riêng với cán bộ thanh tra, kiểm tra, con số tăng vọt từ 16% lên 28% chỉ trong vòng một năm.

Thực tế đó không chỉ nằm trên số liệu. Một doanh nghiệp sản xuất từng phản ánh với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng, để được cấp giấy phép môi trường, họ buộc phải bổ sung một số văn bản, hồ sơ không nằm trong bất kỳ quy định chính thức nào. Hồ sơ sau đó chỉ được giải quyết sau khi có thỏa thuận với cán bộ phụ trách.

Dù không ồn ào trên truyền thông, nhưng trường hợp này cho thấy, quy trình hành chính vẫn có thể bị uốn cong nếu người thực thi muốn đặt thêm “rào chắn vô hình”. Và khi quyền lực công bị vận dụng như một công cụ mặc cả, thì cải cách thể chế sẽ mãi chỉ là lý tưởng trên giấy.

Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ đã phải ra mệnh lệnh điều hành mạnh mẽ bằng Công điện 63/CĐ-TTg ngày 12/5/2025. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hành chính và làm việc với cơ quan công quyền. Cùng với đó là chỉ đạo siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, và bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hành chính nhà nước.

cat-canh-tu-the-che-khong-the-cai-cach-neu-nguoi-thuc-thi-khong-thay-doi-3.jpg
Trong Công điện 63/CĐ-TTg ngày 12/5/2025, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hành chính và làm việc với cơ quan công quyền. Ảnh minh hoạ

Công điện không chỉ là một động thái điều hành hành chính, mà còn là sự xác tín chính trị cho thấy, Chính phủ sẵn sàng đối diện thẳng thắn với những “nút thắt vô hình” trong bộ máy. Thể chế không thể cất cánh khi ngay trên đường băng vẫn còn đầy những chướng ngại mang tên thói quan liêu, nếp nghĩ cũ và quyền lực thiếu kiểm soát.

Người thực thi - Điểm nghẽn hay đòn bẩy?

Theo quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM, điểm nghẽn lớn nhất của cải cách thể chế không nằm ở quy định pháp luật, mà chính là ở khâu tổ chức thực hiện. Ông nhấn mạnh rằng, hệ thống công quyền vẫn đang mang nặng tư duy ban hành chính sách để dễ quản lý, bảo vệ quyền lực thay vì phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Và khi bộ máy thực thi trì trệ, thiếu dấn thân hoặc đơn giản là không chịu làm, thì mọi nỗ lực cải cách sẽ chỉ nằm trên giấy. Doanh nghiệp vì vậy không còn niềm tin, dù chính sách ban đầu rất tiến bộ.

Cùng góc nhìn đó, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright từng nhận xét rằng, rào cản lớn nhất của cải cách không nằm trong văn bản, mà chính là tâm thế của người thực hiện. Theo ông, bộ máy công quyền hiện nay đang trở thành nút tắc, nơi nhiều chủ trương bị dừng lại hoặc biến dạng, một phần do thói quen né tránh trách nhiệm, và một phần do thiếu áp lực buộc phải thay đổi.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đi thẳng vào trọng tâm cốt lõi của vấn đề: “Trên thực tế, không phải bản thân các điều kiện kinh doanh là vấn đề, mà là cách thức áp dụng chúng”. Ông nhấn mạnh rằng nhiều quy định hiện hành bị lạm dụng như công cụ để gây khó dễ, phát sinh chi phí phi chính thức, bóp méo môi trường đầu tư và làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, PGS.TS Lạng cho rằng sai lệch này không xuất phát từ văn bản, mà từ tư duy lạm quyền trong bộ máy thực thi. Chính cán bộ, người cầm quyền thi hành – là điểm phát sinh của sự thiếu minh bạch, là nơi các thủ tục được vận dụng tùy tiện, là chỗ các yêu cầu "ngoài luật" được mặc nhiên áp đặt.

“Nếu không xóa bỏ tư duy hành chính cũ, không xác lập rõ ràng cơ chế ràng buộc trách nhiệm cá nhân, thì mọi cải cách sẽ bị vô hiệu hóa bởi chính người thực thi”, ông cảnh báo.

cat-canh-tu-the-che-khong-the-cai-cach-neu-nguoi-thuc-thi-khong-thay-doi-1.jpg
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong một cuộc Hội thảo.

Không dừng lại ở chẩn đoán, ông Lạng còn đề xuất rõ giải pháp: từ kiểm soát độc lập, minh bạch hóa quy trình, đến kỷ luật hành vi công vụ. Quan trọng hơn cả, theo ông, là phải cải cách toàn diện văn hóa thực thi, từ chỗ xin cho sang phục vụ, từ né tránh sang chủ động chịu trách nhiệm. “Nếu không làm được điều đó, thể chế dù mở cũng vẫn là cái vòng kín với doanh nghiệp”.

Việc trì trệ trong thực thi không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh, mà còn cản trở dòng vốn đầu tư, làm tăng rủi ro thể chế, khiến các địa phương mất điểm trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự thiếu nhất quán giữa chính sách trung ương và hành vi địa phương chính là điểm trũng khiến cải cách không lan tỏa được hiệu quả. Một mô hình quản trị không có người thực thi trách nhiệm sẽ chỉ sinh ra thêm chính sách bị treo, quyền lực bị tha hóa và niềm tin bị bào mòn.

Những phân tích này không đơn thuần là những lời cảnh báo, mà còn là bản đồ thực tiễn chỉ ra nơi cần đột phá. Cải cách không thể chỉ dừng ở tinh thần nghị quyết hay quyết tâm chính trị. Nó cần được truyền dẫn bằng một bộ máy thực thi biết tự soi, biết chịu trách nhiệm và sẵn sàng thay đổi. Bởi không ai khác, chính người thực thi là cánh tay nối dài của thể chế, cũng có thể là điểm gãy khiến cải cách bị gián đoạn.

Một nền thể chế mạnh không nằm ở những văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng, mà ở năng lực và thái độ của những người được giao thực hiện nó. Khi bộ máy hành chính thực sự hành động vì lợi ích công, thể chế mới có thể vận hành đúng quỹ đạo, và cải cách mới có thể đi đến cùng.

Còn nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cất cánh từ thể chế – Bài 3: Không thể cải cách nếu người thực thi không thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO