Liên tiếp những sai phạm của ngành y bị phát hiện trong thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo đã phải vướng vòng lao lý. Phải chăng, đã đến lúc thực hiện một cuộc “đại phẫu”cho ngành Y tế?
>>Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Thanh Nhàn được “thổi giá” thế nào?
Theo đó, việc "giữ giá", "thổi giá" đối với trang thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh đã xuất hiện từ lâu. Khi dịch bệnh COVID-19 đang trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", cả thế giới loay hoay tìm cách xét nghiệm nhanh, chính xác và sản xuất vaccine để kiểm soát dịch thì những lãnh đạo, cán bộ thoái hóa biến chất nhân cơ hội này liên tục “xuất hiện”…
Đó là việc hàng loạt những cán bộ cấp cao từ giám đốc bệnh viện tại các địa phương tới cục trưởng, thứ trưởng đã bị khởi tố, bắt giam. Kể cả cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị đề nghị kỹ luật.
Tháng 4/2020, vụ thông đồng, nâng "khống" giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) bị lật tẩy, dư luận cả nước rúng động khi Giám đốc CDC Hà Nội và các đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt giam. Cũng từ đây, một "tảng băng chìm" về thực trạng nâng "khống" giá thiết bị y tế bắt đầu lộ diện. Đầu tiên, vụ nâng "khống" giá robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai hưởng lợi hàng chục tỷ đồng bị cơ quan điều tra phát hiện khiến dư luận hết sức bức xúc, với hành này, tiếp theo đó, cơ quan Công an đã điểm tên nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, và mới đây, loạt lãnh đạo các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại nhiều tỉnh thành đã phải vướng vòng lao lý bởi hành vi “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19.
Thời gian qua, thuốc giả tràn lan ngoài thị trường, có cả thuốc điều trị ung thư, việc đấu thầu trang thiết bị máy móc, hợp tác xã hội hóa ở một số bệnh viện lớn cũng đều có vi phạm... Những loại tiêu cực trong ngành Y tế từ rất lâu khiến dư luận bức xúc gọi chung là tham ô, tham nhũng khiến hình ảnh chiếc áo blouse trắng bị hoen ố. Những vị “Lương y như từ mẫu” lẽ ra phải được bệnh nhân kính trọng, ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng mà cả y đức. Nhưng rồi lần lượt những vị lãnh đạo về quản lý, bác sĩ chuyên môn kể cả những vị có học hàm, học vị của ngành Y tế, có vị nổi tiếng đã phải đứng trước cơ quan điều tra và bị khởi tố, bắt giam.
>>Vụ “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19: Đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi
Trong lúc bức tranh gam màu xám của ngành Y tế treo ở góc xã hội như một điểm nhấn buồn thì trả lời chất vấn của đại biểu trước diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lại giải thích một cách khá lúng túng và không làm thỏa mãn bức xúc của dư luận về nhiều vấn đề có liên quan.
Ví dụ như Bộ trưởng lý giải cho vấn đề giá test virus COVID-19 quá cao và tùy tiện mỗi nơi một phách bằng một câu rất đơn giản và khá hồn nhiên: “Do quá bận trong công tác phóng chống dịch nên đến tận tháng 9 khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu đúng theo giá đầu vào thì các đơn vị nhận lỗi do quá mải mê nên không thực hiện được”. Thiết nghĩ, chuyện giá test COVID cao một cách bất thường đã gây ồn ào xã hội, bức xúc của người dân một thời gian dài lẽ nào tư lệnh của một ngành quan trọng, gắn liền với sức khỏe, sinh mạng của người dân mà Bộ trưởng lại không biết? Và lẽ ra càng bận lo chống dịch Bộ trưởng lại càng biết hơn ai hết. Vì biện pháp test COVID hàng ngày, hàng giờ cũng từ quy định của Bộ Y tế mà ra.
Ngành Y tế là ngành rất quan trọng, có liên quan tới sức khỏe và tính mạng người dân. Có hai lãnh vực nổi cộm của ngành là Thuốc và Sức khỏe, gắn liền với hai lĩnh vực nổi cộm này là hàng loạt cửa hàng thuốc và bệnh viện trên cả nước. Vấn đề quản lý được đặt ra là tại sao hai cánh cửa then chốt này lẽ thường phải được kiểm soát tốt, quản lý chặt lại có quá nhiều sơ hở để tiêu cực lớn xảy ra một thời gian dài, người dân đều biết mà ngành Y tế không biết hoặc biết mà làm ngơ? Để đến khi căn bệnh tiêu cực, nạn tham ô, tham nhũng “hết thuốc chữa”, khiến cho cơ thể của ngành Y tế hết chịu đựng nổi “bung” ra thì hàng loạt cán bộ, chức sắc của ngành phải “vào lò”?
Ngày 16/2/2022 vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 9 bộ, ngành và 32 địa phương. Đây là cuộc kiểm toán trọng tâm năm 2022, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Nói theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, đây là cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn và chưa có tiền lệ.
"Đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ nên Kiểm toán Nhà nước đã phải huy động một lực lượng lớn các cán bộ kiểm toán viên trong toàn ngành tham gia. Các đoàn công tác quán triệt tinh thần thu thập thông tin đầy đủ, khách quan trung thực, trên cơ sở đó phân tích đánh giá chính xác, phản ánh đúng công sức và kết quả trong phòng chống dịch" - Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể sau cuộc kiểm toán này, “tảng băng chìm” của ngành Y tế sẽ tiếp tục bị “lộ diện”.
Quay trở lại những vi phạm nghiêm trọng của ngành y, thiết nghĩ cơ thể của một ngành quan trọng hàng đầu gắn liền với sức khỏe và tính mạng người dân, với xã hội mà không được khỏe, lại có dấu hiệu mang bệnh trầm kha, ung thư thì rất cần một cuộc đại phẫu, bóc tách cho bằng hết những mầm mống nguy hại để cơ thể này sống lại, mạnh khỏe, đúng nghĩa là chỗ dựa, niềm tin của người dân, của xã hội thì rất nên làm. Có đau cũng phải làm.
Trong đó, hai vấn đề tối quan trọng là cơ chế quản lý và bổ nhiệm nhân sự. Cơ chế quản lý tốt thì không mất mát cán bộ, mất người tài. Bổ nhiệm nhân sự đúng, lấy y đức làm thước đo thì không nảy sinh tiêu cực, tham ô, tham nhũng.
Yêu cầu Bình Thuận báo cáo việc mua sinh phẩm, kit xét nghiệm Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII đã có văn bản gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận và các bệnh viện liên quan đề nghị báo cáo và cung cấp tài liệu liên quan việc huy động quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ. Theo đó, thủ trưởng đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị thành viên, các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị được kiểm toán báo cáo và cung cấp các văn bản qui định các chế độ xét nghiệm, ăn uống, chăm sóc… cho người bị cách ly; điều trị bệnh nhân COVID-19; các quyết định thành lập bệnh viện điều trị COVID-19, giao nhiệm vụ, phê duyệt phác đồ điều trị COVID-19…; xử lý bệnh nhân COVID-19 tử vong... Cùng với đó là các văn bản, quyết định về việc phân bổ các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 như kinh phí, vắc xin, kit xét nghiệm, thuốc điều trị F0, sinh phẩm y tế, vật tư, trang thiết bị y tế được cấp, được tài trợ, hỗ trợ… Báo cáo kết quả kiểm tra việc quản lý các nguồn lực phòng, chống COVID-19 chi cho con người, thuốc, trang thiết bị y tế; tình hình thanh quyết toán, chi phí; báo cáo tình hình tiếp nhận quản lý, sử dụng số còn tồn với từng nguồn lực được huy động, phân bổ trong 2 năm 2020-2021 gồm vắc xin, kit xét nghiệm, thuốc điều trị F0, sinh phẩm y tế, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19... Các báo cáo, tài liệu phải được ký, đóng dấu đầy đủ gửi về Tổ kiểm toán số 1 trước ngày 20/2. Kiểm toán 12 cơ quan, đơn vị tại Cần Thơ Tại Cần Thơ, KTNN khu vực V sẽ triển khai quyết định kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những chính sách hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2021 trên địa bàn TP.Cần Thơ. Trong 12 cơ quan, đơn vị phải kiểm toán lần này có Sở Y tế TP.Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ. Trước đó, Chánh thanh tra TP.Cần Thơ Trần Phước Hoàng đã ký báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về tình hình triển khai thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19 tại Sở Y tế TP.Cần Thơ và cơ quan, đơn vị có liên quan. Đợt thanh tra lần này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2022. |