Vụ việc Việt Á là cơ hội để chấn chỉnh nghiêm khắc đối với hệ thống y tế cả nước, kiên quyết không để những “con sâu làm rầu nồi canh” tiếp tục tồn tại.
>>Vì sao Công ty Việt Á dễ dàng “ôm” gói thầu hàng chục tỷ đồng ở Cà Mau?
Tại buổi họp báo thông báo tình hình kết quả công tác năm 2021 do Bộ Công an tổ chức chiều 28/12 vừa qua, Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, sẽ điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, xử lý nghiêm sai phạm, không có vùng cấm.
Vụ việc những người của Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; Công ty Việt Á thông đồng với lãnh đạo y tế một số địa phương để “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 khiến dư luận quan tâm thời gian qua.
Theo Bộ Công an, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được chi tiền phần trăm với số tiền 30 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.
COVID-19 là một đại dịch trăm năm có một, rất phức tạp và đòi hỏi nhiều giải pháp linh hoạt, chưa có tiền lệ trong công tác quản lý nhằm nhanh chóng đối phó với dịch bệnh. Nhưng đây cũng là kẽ hở khiến cho các tiêu cực có thể nảy sinh.
Tại châu Âu, nơi được đánh giá cao về tính minh bạch trong sử dụng công quỹ với các tiêu chí được quy định chặt chẽ để bảo đảm tính minh bạch, ngày 1/4, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành chỉ thị mua sắm của EU kêu gọi các nước linh hoạt áp dụng các giải pháp nhanh chóng.
Cơ chế này không yêu cầu công bố thông tin đấu thầu, không giới hạn thời gian, không có số lượng ứng viên tối thiểu, tư vấn hoặc các thủ tục khác… Theo Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), tham nhũng trong lĩnh vực này có thể khiến người dân EU phải đóng thuế thêm 5 tỷ USD.
Dĩ nhiên, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong giai đoạn đất nước chống dịch khốc kiệt, thì bất kỳ sự chủ động nào của công ty, doanh nghiệp đóng góp dù là sản xuất o-xy, áo quần bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế đều là “người hùng” của dân tộc.
Thế nhưng, điều mà không ai nghĩ tới và cũng không tưởng tượng được, trong thời điểm khốc liệt như thế, Việt Á lại có thể làm được cái việc thổi giá, trục lợi và ung dung làm giàu trên sự kiệt quệ của đồng bào mình.
>>Công ty Việt Á từng “bao sân” ở CDC Hà Tĩnh
>>Vụ hồ sơ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á: WHO nói gì?
Mặt khác, một số vấn đề cũng được đặt ra đó là: Chất lượng những bộ kit test Covid-19 mà Việt Á cung cấp cho 61 tỉnh thành có đảm bảo không? Độ chính xác như thế nào? Nếu không có cơ sở sản xuất, vậy hàng triệu sản phẩm này nguồn gốc từ đâu? Nhập về như thế nào? Tại sao lại lọt cửa khẩu?
Và với việc “khủng bố” test tất cả công dân ở Hà Nội và TP.HCM cũng như các địa phương khác có phải là mưu đồ “kích cầu” không? Và nếu vậy, thế lực nào đủ sức làm điều ghê gớm này?
Tức là, một mình Việt Á không thể nào “chui tuột” qua các cánh cửa kiểm duyệt một cách dễ dàng như thế? Một mình Việt Á chắc chắn cũng không đủ “tay, chân” để khiến rất nhiều nơi nhận “chỉ định” phải mua kit test của Việt Á.
Thật đau xót, trong suốt hai năm ròng rã, các y, bác sĩ và cả những đội hình khác đã lao lực và gần như kiệt sức nơi tâm dịch để tham gia bảo vệ sức khỏe người dân một cách đúng nghĩa.
Vậy mà vẫn có những thành phần “ăn” không chừa một thứ gì từ đại dịch, trục lợi bất chấp nỗi mất mát, đau đớn tột cùng của đồng bào mình, lọc lừa xuyên cả hệ thống quản lý nhà nước mà ở đó có đầy đủ bộ máy tham mưu giúp việc, “gác cổng” về chuyên môn.
Đây là điều không thể chấp nhận! Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Chắc chắn, một bản án thích đáng đối với những đối tượng phạm tội sẽ được đưa ra.
Dĩ nhiên, không thể lấy sai phạm của một vài người để đổ lỗi cho một hệ thông. Việc xử lý sai phạm thể hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và đấu tranh chống tội phạm tham nhũng nói riêng hoàn toàn không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, dù đang nắm giữ quyền lực gì thì đều bị xử lý khi có sai phạm.
>>Vụ “thổi giá” kit test COVID-19: Cần làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan
>>Công ty Việt Á đứng “tốp đầu” trúng thầu ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Quyết tâm đưa đường dây “rắn, chuột” bất nhân trong vụ kit test COVID-19 ra ánh sáng pháp luật của Bộ Công an ngày hôm nay, càng cho thấy rõ công tác chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực – chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Bộ Công an thực hiện xuyên suốt, không phải là ngày một, ngày hai.
Sự quyết liệt của Bộ Công an trong chuyên án cũng là cách để “chuột” không thể đào hang, “rắn” không thể làm ổ, không còn thêm cơ hội nào để trục lợi, hút máu nhân dân thêm nữa.
Có thể nói, sai phạm trong vụ án Việt Á là hết sức nghiêm trọng, cho thấy những “nhóm lợi ích” vẫn còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành y tế có nhiều lùm xùm như vừa qua, thiết nghĩ Chính phủ cần chấn chỉnh nghiêm khắc đối với hệ thống y tế cả nước, kiên quyết không để những “con sâu làm rầu nồi canh” tiếp tục tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 27/12/2021
00:23, 27/12/2021
00:06, 27/12/2021
04:10, 24/12/2021
00:26, 24/12/2021
10:08, 23/12/2021
07:39, 23/12/2021
04:10, 23/12/2021
03:50, 23/12/2021
20:52, 22/12/2021
19:30, 22/12/2021
10:30, 22/12/2021
05:30, 22/12/2021