Cần thiết sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu
Dù mới có hiệu lực thi hành được 2 tháng, thế nhưng, theo các chuyên gia, việc Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu là cần thiết…
>>Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu Vụ Thị trường trong nước sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để “nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, giải quyết một số bất cập xảy ra thời gian vừa qua”.
Ngoài các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu đơn vị chức năng thuộc Bộ, nghiên cứu, sửa các quy định về kinh doanh khí, Sở giao dịch hàng hoá.
Theo các chuyên gia, yêu cầu này của Bộ Công Thương là cần thiết, nhất là trong bối cảnh xăng dầu hơn hai tháng qua rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa phương khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35% nguồn cung thị trường cuối năm 2021) cắt giảm công suất, cùng với đó là tình trạng giá bán lẻ xăng dầu trong nước liên tiếp tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu thế giới đe dọa hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và chương trình phục hồi – phát triển kinh tế.
Thực tế, dù chỉ mới có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2022 (2 tháng vừa qua), thế nhưng Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) về kinh doanh xăng dầu cũng được chỉ ra còn nhiều bất cập.
>>Cân nhắc mức giảm mạnh hơn cho thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Như quy định về thời gian điều hành dịp Tết, khi “kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”. Theo quy định này nên đợt điều hành ngày 01/2 vừa qua rơi vào mùng 1 Tết Nguyên đán, và phải lùi sang kỳ điều hành tiếp theo, trong khi giá thế giới leo thang khiến giá trong nước bị “nén” lại, dẫn tới hiện tượng khan hiếm hàng trên thị trường.
Trước đó, dẫn chứng về quy định này, một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết, nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường, hoặc cơ quan quản lý Nhà nước linh hoạt khi thị trường bất thường, điều chỉnh giá sớm hơn, biên độ tăng giá đã không quá lớn. Thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng “găm hàng, chờ giá lên”.
Theo tính toàn của vị này, việc điều hành giá, nếu chủ động hơn, mức tăng giá mới chỉ khoảng 60% so với mức tăng 960-980 đồng ngày 11/2.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, chuyên gia Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc cơ quan quản lý Nhà nước không điều hành giá ngày 01/2 là đúng theo quy định tại Nghị định số 95/NĐ-CP, nhưng lại “hơi máy móc” khi tình hình thị trường biến động giá rất mạnh, sụt giảm nguồn cung.
“Để qua kỳ nghỉ Tết dài mới điều hành, tác động tới giá và cung, cầu thị trường. doanh nghiệp lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì hạn chế được tình trạng găm hàng”, ông Long chia sẻ.
Bên cạnh bất cập đã nêu, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu thành phẩm được rút lại còn 20 ngày, thay vì 30 ngày như tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP trước đây, cũng được cho sẽ dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, chẳng hạn, ngay khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35% nguồn cung trong nước, gặp “trục trặc” từ trung tuần tháng 1, ảnh hưởng tới kế hoạch nhập hàng của các doanh nghiệp đầu mối, họ phải quay sang nhập thêm hàng để bổ sung lượng thiếu hụt này. Tuy nhiên, với mức giá xăng dầu thành phẩm ở ngưỡng cao, trên 100 USD/thùng, việc tăng nhập như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp đầu mối bị lỗ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex từng cho biết, các nhà cung cấp nước ngoài họ cũng không phải có sẵn lượng hàng, nên khi chúng tôi có nhu cầu mua tăng thêm, ngoài khả năng họ đáp ứng có mức độ, còn bị ép giá. Mình cần lấy hàng ngay thì phải chịu chấp nhận giá cao.
Thực tế, những vấn đề đã nêu cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại cuộc họp đầu về cung ứng xăng dầu tháng 02/2022 vừa qua và cho rằng, cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu, không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng.
Áp lực giá xăng dầu liên tục “leo thang” khiến dư luận không khỏi quan ngại về tác động lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, đang chịu sức ép tăng giá rất lớn, bởi cùng với giá xăng dầu và gas tăng, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng.
Để giải tỏa những áp lực đã nêu, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý về Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ngày 10/3, Bộ Tài chính đã đồng ý tăng mức giảm với xăng dầu lên gấp đôi, 2.000 đồng/lít xăng, còn dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn có chung mức giảm 1.000 đồng/lít. Dư luận kỳ vọng, cùng với những sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương đưa ra sẽ là lời giải cho những vướng mắc đang tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
Xăng dầu sẽ “nóng” tại phiên chất vấn
02:30, 11/03/2022
Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
19:03, 10/03/2022
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu
03:40, 04/03/2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin về giá xăng dầu biến động
22:16, 03/03/2022
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát tình hình xăng dầu
17:26, 28/02/2022