Thấy gì từ vụ 100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa?

HUYỀN TRANG thực hiện 17/03/2022 11:00

TS. Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên khoa luật, Đại học Ngoại Thương khuyến nghị, trong thương mại và thanh toán quốc tế, doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

>>Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Lộ diện người cầm “bộ chứng từ gốc”?

Ông Hà nhấn mạnh, muốn tận dụng được các lợi thế cạnh tranh mà hội nhập mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải am hiểu và nắm rõ “luật chơi” trong thương mại quốc tế, nhận diện được các rủi ro từ các giao dịch thương mại để có thể phòng tránh.

-Từ vụ việc 100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa, ông đánh giá thế nào về vấn nạn lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay?

Vụ việc này một lần nữa cho thấy doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia vào các giao dịch kinh doanh quốc tế. Trước đây, đã có những vụ việc tương tự xảy ra.

Tháng 5/2019, Thương vụ Việt Nam tại một số nước Tây Phi đã cảnh báo về bốn trường hợp lừa đảo đối với doanh nghiệp Việt Nam (gồm: i) lừa đảo trong đấu thầu; ii) lừa đảo trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam; iii) lừa đảo trong việc xuất khẩu hàng hóa đến Việt Nam; iii) lừa đảo khi ký nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng cho Việt Nam.

Tháng 10/2018 và tháng 12/2020, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đưa ra cảnh bảo cho doanh nghiệp Việt Nam khi có những trường hợp giả danh những doanh nghiệp bị phá sản/chấm dứt hoạt động ở Hà Lan để lừa đảo qua mạng. Liên quan đến thanh toán, năm 2017, vụ việc khách hàng Echopark Inc (Canada) lừa đảo một số doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cũng đã được nêu ra…

Điều này cho thấy các rủi ro về lừa đảo, hay “bẫy” trong kinh doanh quốc tế, không phải là hiếm.

-Từ góc nhìn pháp luật, theo ông, phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ đang được doanh nghiệp sử dụng có những ưu điểm và hạn chế như thế nào?

Phương thức nhờ thu (Document Collection) là một trong những phương thức thanh toán mà người mua và người bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể thỏa thuận sử dụng. Phương thức nhờ thu được phân chia thành một số loại như: Nhờ thu trả tiền ngay (Document against Payment, D/P), nhờ thu trả chậm (Document against Acceptance, D/A)… Nếu người mua, người bán thỏa thuận sử dụng D/P trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bộ chứng từ mà người bán xuất trình cho ngân hàng thu hộ sẽ chỉ được ngân hàng thu hộ giao cho người mua khi nhận được tiền thanh toán từ người bán.

Có thể thấy, phương thức D/P cũng khá đảm bảo cho người bán. Tuy nhiên, phương thức này vẫn có thể tồn tại những hạn chế như:

1) Hạn chế về vai trò của Ngân hàng: Theo Quy tắc Thống nhất về nhờ thu của Phòng Thương mại Quốc tế (URC 522), ngân hàng có một số vai trò chính: thu hộ theo chỉ thị nhờ thu; xác nhận các chứng từ nhận được từ phía người bán là đúng với chỉ thị nhờ thu; thông báo không chậm chễ bộ chứng từ cho người mua/bên nhận bộ chứng từ. Ngân hàng không có trách nhiệm đối với tính chân thực, chính xác của bộ chứng từ; đối với việc mất mát, thất lạc, cắt xén… chứng từ đang được vận chuyển trên đường…

Như vậy, có thể thấy ngân hàng chủ yếu đóng vai trò là bên trung gian thu hộ, mà không phải là một bên thứ ba đứng ra thanh toán cho giao dịch như đối với phương thức tín dụng chứng từ (Letter of credit, L/C).

2) Rủi ro đối với người bán: bộ chứng từ có thể bị mất trong quá trình vận chuyển, từ đó, người mua không nhận được hàng và cũng không thanh toán tiền hàng; người mua có thể từ chối không nhận hàng bằng cách từ chối nhận bộ chứng từ…

3) Rủi ro đối với người mua: người mua không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán; có sự lừa đảo liên quan đến bộ chứng từ…

>>Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Đại diện Công ty Kim Hạnh Việt chính thức lên tiếng

- Làm thế nào để hạn chế được những bất cập, hạn chế nêu trên, thưa ông?

Khi sử dụng phương thức nhờ thu, doanh nghiệp chỉ nên sử dụng phương thức này đối với các khách hàng lâu năm và quen thuộc.

Trong trường hợp giao dịch với khách hàng lần đầu, nhất là với những khách hàng được tìm hiểu qua mạng Internet, cần phải thực hiện hoạt động xác minh tư cách chủ thể cũng như điều kiện tài chính của khách hàng đó. Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau (như Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp đối tác đã làm ăn lâu dài…) để xác minh các vấn đề nêu trên.

Lựa chọn ngân hàng có uy tín và kinh nghiệm để loại trừ một số rủi ro từ phía ngân hàng;

Tìm hiểu kỹ các tập quán liên quan đến giao nhận hàng hóa ở cảng đến cũng như sử dụng điều kiện cơ sở giao hàng phù hợp trong Incoterms để nắm quyền chủ động trong giao dịch, nhất là đối với việc sở hữu hàng hóa.

-Vậy. theo ông nên dùng phương thức thanh toán nào trong giao dịch thương mại quốc tế để đảm bảo an toàn nhất cho doanh nghiệp?

Trên thực tế, không có một phương thức thanh toán nào là không có lỗ hổng, là an toàn tuyệt đối cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Mỗi phương thức thanh toán lại có những ưu, nhược điểm khác nhau, dựa vào liệu doanh nghiệp là bên nhập khẩu hay bên xuất khẩu, hàng hoá trao đổi là gì, tình hình kinh tế, xã hội của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia ra sao mà các bên có thể thống nhất với nhau về phương thức thanh toán.

Điều quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện giao dịch kinh doanh, đó chính là rà soát thật kĩ hợp đồng, lường trước các tình huống có thể xảy ra, đặt ra các điều kiện thanh toán hoặc các chế tài mà hai bên cùng đồng ý trong trường hợp xảy ra trục trặc, tranh chấp. Từ đó doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro ngay từ bước giao kết hợp đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P).

Thực tế, bên bán để cho bên mua có điều kiện lừa đảo vì khi đàm phán hợp đồng, có thể bên mua chưa nắm rõ nguồn gốc đối tác hay chưa thẩm định rõ đối tác hoặc thông qua môi giới, và bên bán hoàn toàn thiếu thông tin đối tác. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương vào cuộc

    Bộ Công Thương vào cuộc "giải cứu" 36 container điều bị mất kiểm soát

    21:20, 15/03/2022

  • Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Tham tán Thương mại đã đến cảng Genova, Napoli

    Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Tham tán Thương mại đã đến cảng Genova, Napoli

    02:00, 16/03/2022

  • Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Lộ diện người cầm “bộ chứng từ gốc”?

    Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Lộ diện người cầm “bộ chứng từ gốc”?

    11:00, 13/03/2022

  • Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Đại diện Công ty Kim Hạnh Việt chính thức lên tiếng

    Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Đại diện Công ty Kim Hạnh Việt chính thức lên tiếng

    11:20, 12/03/2022

  • Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Doanh nghiệp Việt

    Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Doanh nghiệp Việt "mất quyền kiểm soát"

    13:00, 10/03/2022

  • Vụ 100 container điều xuất sang Ý có thể bị lừa: 4 vấn đề mấu chốt cần làm rõ

    Vụ 100 container điều xuất sang Ý có thể bị lừa: 4 vấn đề mấu chốt cần làm rõ

    03:50, 10/03/2022

  • Nguy cơ gần 100 container nhân điều xuất khẩu sang Ý bị mất trắng

    Nguy cơ gần 100 container nhân điều xuất khẩu sang Ý bị mất trắng

    08:00, 09/03/2022

HUYỀN TRANG thực hiện