Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Lo lắng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang thắt chặt hơn…
>>Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực
Ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital - thể hiện sự lo lắng rằng nếu bản sửa đổi lần 5 đi vào thực tế sẽ không phản ánh đúng và tôn trọng tiêu chí từ đầu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, doanh nghiệp vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình nhưng đi kèm quá nhiều điều kiện khiến rất nhiều đơn vị sẽ không đáp ứng được. Một lượng lớn nguồn vốn của dân từ đó sẽ không thể chảy đến các doanh nghiệp thông qua sản phẩm tài chính, buộc lại phải đi vào ngân hàng, cổ phiếu hoặc bị bóp méo.
Liên quan đến vấn đề nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Đức chỉ ra một quy định trong lần sửa đổi lần này khiến ông "toát mồ hôi và rất lo". Cụ thể, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đáp ứng được việc đầu tư và nắm giữ, duy trì khoản đầu tư trong vòng 2 năm liên tục 2 tỉ đồng. “Chắc chỉ cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp niêm yết mới đáp ứng được. Còn với những nhà đầu tư chỉ đơn thuần, coi thị trường chứng khoán là cơ hội đầu tư để kiếm tiền, khi thị trường xuống thì họ rút vốn mà yêu cầu duy trì suốt cả 2 năm liên tục là một điều rất rất khó”, ông Đức phân tích.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw, Đoàn Luật sư Hà Nội, các quy định như nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang nằm trong Luật Chứng khoán. Để sửa đổi Luật Chứng khoán thì phải qua Quốc hội chứ không phải Nghị định của Chính phủ.
"Dự thảo lần 5 đang quy định lại về điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng tôi thấy vẫn phải xem xét thêm. Tức Nghị định hướng dẫn lại cả luật và thắt chặt điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn. Người ta hay nói là luật do Quốc hội ban hành và có giá trị pháp lý cao hơn nên Nghị định chỉ có mang tính hướng dẫn, chứ không thể ra điều kiện khó hơn hay mở rộng hơn quy định của luật. Do đó, tôi nghĩ vấn đề này phải xem xét lại khi sửa đổi 153", ông Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm: "Qua nghiên cứu, tôi thấy rõ ràng Nghị định 153 trước đây tương đối thông thoáng, còn theo bản sửa đổi lần thứ 5 thì lại thắt chặt ghê gớm. Đặc biệt, một quy định bất cập là doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ, gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng. Tôi đánh giá điều này không phải cởi mở mà mang tính siết chặt lại".
Theo ông Hà, điều kiện quay ngoắt 180 độ đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề ở chỗ làm sao họ có cái lãi được ngay và nhiều doanh nghiệp lỗ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Vì vậy sẽ loại rất nhiều doanh nghiệp start-up hay dự án tốt. Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ ra theo Nghị định 153 thì việc phát hành trái phiếu riêng lẻ rất thuận lợi, đơn giản nên các nhà phát hành trái phiếu chọn phát hành riêng lẻ thay vì phát hành ra công chúng. Việc này sẽ nhanh chóng hơn và ít bị kiểm soát mục đích sử dụng vốn.
"Như vậy, có sự không đồng nhất trong Nghị định 155 và Nghị định 153. Nghị định 153 là phát hành riêng lẻ còn Nghị định 155 là hướng dẫn phát hành ra công chúng", ông Hà nêu rõ.
Vị luật sư cho biết giờ đây không chỉ cần sửa đổi Nghị định 153 mà còn cả Nghị định 155 để làm sao điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng và riêng lẻ phải mang tính chất có thủ tục tương đối thuận lợi hơn cho nhà phát hành.
>>Siết trái phiếu doanh nghiệp "3 không" và phát hành riêng lẻ
Thị trường chứng khoán vừa trải qua cú giảm điểm kỷ lục, để tránh hiệu ứng domino đối với trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch VietinBank Capital hy vọng, Nghị định 153 sửa đổi sẽ không làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một doanh nghiệp nào và cũng không ngăn cản luồng vốn chảy từ khu vực dân cư cung cấp cho các doanh nghiệp. Từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung và đất nước.
"Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng và nhanh, tốc độ tăng trưởng rất tốt, nhu cầu vốn cực kỳ lớn. Để đáp ứng được tỉ lệ tăng trưởng GDP 7% thì cần phải có một tốc độ tăng trưởng hàng năm về vốn. Tín dụng trái phiếu hay cổ phiếu nên chiếm khoảng 14-15%. Nếu đẩy hết gánh nặng đó sang cho Ngân hàng Nhà nước thì sẽ rất đáng lo", ông Đức phân tích.
Theo Chủ tịch VietinBank Capital, bài toán cân đối mà những người làm kinh tế vĩ mô mong muốn hiện nay là quy mô tín dụng chỉ tương đương với huy động ngắn hạn. Đừng để ngắn hạn tài trợ cho dài hạn như bây giờ.
Ông Đức nhận định: "Dư nợ tín dụng nên chỉ rơi vào 80-90% chứ không phải tới khoảng 140% GDP như bây giờ. Điều đó có nghĩa phần còn lại phải do thị trường thị trường tài chính. Nếu cắt thị trường trái phiếu, mong muốn chia sẻ gánh nặng đó sang cho thị trường tài chính như Thủ tướng phát biểu năm 2019 là rất khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến bài toán cân đối rất lớn của của toàn quốc, chứ không phải chỉ riêng cho bất kỳ một doanh nghiệp hay một thị trường nào".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng nếu dùng các biện pháp hành chính làm méo mó sự phát triển của thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng kênh huy vốn rất tốt cho doanh nghiệp sẽ bị bỏ hoang. "Chỉ cần sửa Nghị định 153 cho phù hợp, không quá siết chặt và tạo ra một kênh dẫn vốn tốt cho doanh nghiệp", luật sư nhấn mạnh. Bổ sung thêm, ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup - đề xuất chính sách được ban hành trong thời gian tới cần khơi thông dòng vốn để không phải thắt chặt cung cầu mà doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận vốn và nhà đầu tư lựa chọn được sản phẩm mình mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực
04:00, 29/04/2022
Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 28/04/2022
Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ
04:10, 21/04/2022
“Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình
04:00, 20/04/2022