Rào cản cho nhà đầu tư dự án PPP
Quá trình áp dụng vào thực tế, Luật PPP và các văn bản hướng dẫn còn nhiều quy định không cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho nhà đầu tư dự án.
>>Gỡ rào cản cho PPP: Cần giải “nút thắt” từ thể chế
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, sau gần 2 năm thi hành, theo Luật sư, vì đâu phương thức PPP vẫn khiến các nhà đầu tư không “mặn mà”?
Cho đến nay phương thức đầu tư theo phương thức PPP vẫn không thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào các dự án, bên cạnh vấn đề về năng lực, vốn của doanh nghiệp thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, do đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án.
Thực tế cho thấy, với tư cách là một lĩnh vực đầu tư, một dạng hoạt động sản xuất kinh doanh mới, hiện nay trong lĩnh vực đầu tư này đang còn rất nhiều vấn đề phát sinh nhưng chưa được nhà lập pháp, lập quy nhận diện, và ngay cả khi đã nhận diện được thì cũng khó có thể đề xuất những cách thức, giải pháp để giải quyết một cách cụ thể, phù hợp và kịp thời. Điều này giải thích tại sao, mặc dù đã có Luật PPP, 2 Nghị định và một số Thông tư hướng dẫn nhưng nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư PPP đến nay vẫn “ngoài vòng” pháp luật.
- Cụ thể những tồn tại, hạn chế ở đây là gì, thưa Luật sư?
Thứ nhất, các quy định trong pháp luật PPP hiện hành (Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định) chủ yếu chỉ liên quan đến hợp đồng BOT (với tư cách là 1 loại hợp đồng dự án PPP cụ thể), còn các hợp đồng dự án khác (BTO, BOO, O&M, BLT, BTL,…) thì lại ít được quan tâm điều chỉnh.
Hạn chế này đã ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các dự án đầu tư không phải là dự án BOT. Và vừa qua, không ít nhà đầu tư đã than phiền rằng họ muốn thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo các hợp đồng khác (không phải là hợp đồng BOT) nhưng đã không thể thực hiện được ý nguyện của mình vì thiếu quy định pháp luật về các loại hợp đồng này.
Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm pháp lý (các chế tài) mà Nhà nước phải gánh chịu trước nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp chậm giải ngân theo tiến độ đã được cam kết. Giải ngân đúng tiến độ là một nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (Điều 70 Luật PPP).
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn cho thấy, Nhà nước không hiếm khi vi phạm nghĩa vụ này. Do vậy, pháp luật PPP cần quy định cụ thể, rõ ràng về các loại trách nhiệm pháp lý mà Nhà nước phải gánh chịu khi không thực hiện đúng nghĩa vụ này trước đối tác của mình.
>>Khắc phục hạn chế hợp đồng BOT
Thứ ba, trong pháp luật PPP hiện hành còn thiếu quy định về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý phần doanh thu tăng, giảm (Điều 17 Nghị định 28/2021).
Cụ thể, lần đầu tiên, trong Luật PPP đã quy định về cơ chế xử lý phần doanh thu tăng, giảm so với mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án. Quy định này là rất cần thiết để bảo đảm sự bình đẳng về mặt lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành công trình dự án PPP.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Điều 82 Luật PPP cũng như Điều 16 và Điều 17 Nghị định 28/2021 cho thấy, vẫn còn một số vấn đề rất quan trọng liên quan đến cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu nhưng vẫn chưa có quy định pháp luật để giải quyết.
Ví dụ, khi xác định phần doanh thu tăng, giảm mà phát sinh bất đồng quan điểm giữa các chủ thể có liên quan, đặc biệt là giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì cơ quan nào sẽ có thẩm quyền giải quyết? Tòa án hay trọng tài thương mại hay một cơ quan hành chính nhà nước nào đó?
- Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Luật sư có đóng góp đề xuất, kiến nghị gì?
Để khắc phục vấn đề thứ nhất đã nêu ở trên, Quốc hội đã giao cho Chính phủ ban hành mẫu các hợp đồng trong lĩnh vực PPP. Tuy nhiên, giải pháp này, cũng không thể có hiệu quả vì pháp luật về hợp đồng PPP có nội dung, vai trò, ý nghĩa khác về chất so với các mẫu hợp đồng. Do đó, cần ban hành quy định sửa đổi, bổ sung thay vì lấy việc ban hành mẫu hợp đồng để thay thế cho việc ban hành pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực PPP.
Về vấn đề thứ hai, đây là một lỗ hổng của pháp luật PPP cần phải sớm được khắc phục. Do đó, để đảm bảo cho việc giải ngân được đúng hạn, cần bổ sung vào Nghị định 28/2021 các biện pháp chế tài, trong đó có biện pháp tính lãi nếu Nhà nước chậm giải ngân vốn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Và vấn đề thứ ba về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong quá trình xử lý phần doanh thu tăng, giảm, trong Luật PPP cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành luật chưa thể hiện, vì vậy, cần sớm nghiên cứu các quy định để bổ sung kịp thời.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Khắc phục hạn chế hợp đồng BOT
11:00, 26/06/2022
Gỡ rào cản cho PPP: Cần giải “nút thắt” từ thể chế
04:00, 29/06/2022
Gỡ “vướng” các dự án PPP giao thông
21:44, 23/06/2022
Cần hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để thúc đẩy các dự án PPP phát triển
12:30, 21/06/2022
5 dự án giao thông trọng điểm: Không triển khai PPP do giải phóng mặt bằng lớn
00:06, 16/06/2022
Vì sao “vắng bóng” dự án PPP?
00:37, 12/06/2022