Có một yếu tố rất quan trọng khi không triển khai PPP với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM , đó là giải phóng mặt bằng rất lớn.
>>5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 5): Vành đai 3 kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Nếu làm PPP, riêng khâu này đã phải bỏ ra 75.371 tỷ đồng, do đó khi đưa vào thì vốn ngân sách nhà nước sẽ lên hơn 80% tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm bằng hình thức đầu tư công.
“Như vậy, đã vượt trên quy định của Luật PPP là không được vượt quá 50%. Hiện nay chúng ta đang cho một số dự án vượt trên 50%, nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì không nên vượt quá 70%, khi đó mới đảm bảo hiệu quả. Còn đã lên đến 80% thì nên đầu tư công, vì chúng ta đã làm gần hết mà kêu gọi PPP thì sẽ không khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề lớn nhất khi hội đồng thẩm định xem xét và đều rất băn khoăn. Vì có làm được hay không, có nhanh và đảm bảo tiến độ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng.
Chính phủ đã họp rất nhiều lần, Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng nêu ra rất nhiều lần, các địa phương đã phải “họp đi họp lại” rất nhiều lần để khẳng định, để cam kết làm sao phải tổ chức cho bằng được.
Hiện nay các địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn và đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Còn nếu về sau này không được thì các địa phương phải chịu trách nhiệm.
“Hiện nay cũng chưa thể khẳng định có làm được hay không. Nhưng tôi tin với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự nỗ của các địa phương thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được và phải làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Với một số cơ chế, chính sách đã được kiến nghị, đó là cho tách giải phóng mặt bằng cho làm trước, làm sớm, làm ngay và cho làm một lần. Giải phóng mặt bằng phải làm một lần, nếu để lại vừa khó quản lý, vừa bị “đội vốn” lên rất “khủng khiếp”.
“Do đó, tôi mong muốn được các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án cho làm sớm và làm một lần. Để sau này khi có tiền thì chỉ phải làm đầu tư, còn giải phóng mặt bằng bây giờ quản lý chặt chẽ để không bị phát sinh hoặc phải làm đi làm lại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dùng nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân khó thu hút PPP vào các dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có 5 yếu tố.
Thứ nhất, năng lực nhà đầu tư. Chúng ta chưa có nhà đầu tư có năng năng lực thực sự, mà phần lớn là các nhà thầu. Các nhà thầu lại chủ yếu tham gia vào đầu tư là chính chứ chưa phải là nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải từ các quỹ, có chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thu hút và chưa có được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư có tiềm lực.
Thứ hai, vay vốn ngân hàng. Qua các vụ án gần đây, các ngân hàng muốn “tránh” nợ xấu, và ngân hàng cũng chưa “mặn mà” với việc cho vay, vì chưa nhìn thấy các dự án có hiệu quả.
Thứ ba, bảo lãnh chính phủ. Các dự án ở các nước phần lớn đều xin bảo lãnh chính phủ, nhưng chúng ta chưa muốn cho cơ chế này, mà muốn để các nhà đầu tư tự làm, tự chịu trách nhiệm. Vì bảo lãnh chính phủ liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách.
Thứ tư, lưu lượng giao thông trên tuyến. Tất cả các tuyến ở ĐBSCL hay ở trung du miền núi phía Bắc nếu nói về lưu lượng thì không làm được, tính khả thi rất thấp. Nhưng nếu không làm thì không phát triển, kết nối, thúc đẩy, không mở rộng được không gian. Do đó, phải dùng ngân sách nhà nước để triển khai.
Nếu không “chờ” được các nhà đầu tư để làm PPP, thì ngân sách nhà nước có đến đâu sẽ làm đến đấy để phục vụ nhu cầu phát triển, chứ không thể “ngồi chờ”.
Còn chủ trương thì đã có, chúng ta mong muốn và cũng rất quyết liệt trong việc xã hội hoá, sử dụng các nguồn lực tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế cũng rất khó.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết tâm cải thiện các cơ chế để khuyến khích, thu hút xã hội hoá trong lĩnh vực này, để làm được nhiều hơn các công trình hạ tầng. Và không chỉ hạ tầng giao thông, mà cả hạ tầng xã hội, như y tế, giáo dục…
Thứ năm, giá nguyên vật liệu như sắt, thép… hiện nay tăng rất cao.
“Đây là 5 yếu tố chúng ta chưa giải quyết được trong “ngày một, ngày hai” để thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Do đó, Chính phủ mong muốn nhận được sự chia sẻ và ủng hộ Chính phủ, các tỉnh, các địa phương, các vùng có các dự án triển khai sớm, nhanh và hoàn thành sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả của các công trình, phục vụ cho việc phát triển đất nước, các vùng, các địa phương trong thời kỳ tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 31/05/2022
05:15, 31/05/2022
04:13, 31/05/2022
03:00, 31/05/2022
04:30, 24/05/2022