Sau gần 2 năm thi hành, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã cho thấy một số hạn chế, nhất là các quy định về hợp đồng BOT…
>>Cần hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để thúc đẩy các dự án PPP phát triển
Đó là chia sẻ của PGS.TS Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, tuy nhiên đến nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được cho là còn nhiều bất cập nên chưa thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Hiện nay, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư cơ bản đã được hình thành với một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh, bao gồm một Luật, hai Nghị định hướng dẫn thi hành và một số văn bản khác có liên quan.
Thế nhưng, sau gần hai năm thi hành, đã xuất hiện một số vấn đề không những liên quan đến nội dung các văn bản pháp luật đã ban hành mà còn liên quan đến quá trình thực thi các văn bản pháp luật đó trong thực tiễn và gây ra không ít khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT.
Trong đó có thể kể đến 4 hạn chế: Một là, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra khá phổ biến; Hai là, tình trạng cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình, kể cả những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật; Ba là, Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, do đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án trên thực tế; Bốn là, một số quy định trong pháp luật PPP không đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về một số hạn chế đã nêu trên, thưa ông?
Chẳng hạn về tình trạng cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình, kể cả những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật.
>>Vì sao “vắng bóng” dự án PPP?
Một trong những đặc điểm rất quan trọng của hợp đồng dự án PPP, trong đó, có hợp đồng BOT, là tính bất cân xứng trong địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia hợp đồng này. Với tư cách là chủ thể đại diện cho Nhà nước, nắm giữ quyền lực nhà nước, cơ quan ký kết hợp đồng thường có xu hướng lạm dụng vị thế của mình để đảm bảo cho mình có được những lợi thế hơn phía nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng dự án. Điều này tất nhiên là có thể gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Ví dụ, trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (một bên ký kết hợp đồng) đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư chỉ được ký kết hợp đồng vay vốn với một loại chủ thể duy nhất là tổ chức tín dụng. Yêu cầu này một là, trái với Luật Doanh nghiệp 2020 (khoản 3, Điều 7), theo đó doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền: “lựa chọn hình thức, phương thức huy động vốn”; hai là, trái với Luật PPP (khoản 5 Điều 3), theo đó: “Bên cho vay là tổ chức, cá nhân cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP vay vốn để thực hiện hợp đồng dự án PPP”.
- Vậy, ông có kiến nghị gì để khắc phục các hạn chế của pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực PPP?
Thứ nhất, mặc dù Luật PPP có hiệu lực chưa lâu (hơn một năm rưỡi) nhưng thực tế cho thấy đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu để giải quyết. Vì vậy, tôi kiến nghị Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “nhằm phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật”.
Thứ hai, trong khi chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện các loại hợp đồng này.
Thứ ba, mẫu các loại hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT phải do Chính phủ ban hành theo đúng quy định của Luật PPP (Khoản 3 Điều 47 Luật PPP) chứ không thể giao nhiệm vụ này cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành như quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 93 Nghị định 35/2021/NĐ- CP.
Thứ tư, các cơ quan nhà nước, ngay từ bây giờ cần có kế hoạch để cuối năm 2022, đầu năm 2023, tổ chức việc tổng kết 02 năm thi hành Luật PPP, trong đó có việc thi hành các quy định về hợp đồng trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức PPP nêu các vấn đề phát sinh, đồng thời kiến nghị các giải pháp giúp Nhà nước thực hiện hiệu quả pháp luật về hợp đồng dự án PPP, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để Nhà nước ta thực hiện một cách thành công kế hoạch đầu tư các công trình giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cần hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để thúc đẩy các dự án PPP phát triển
12:30, 21/06/2022
5 dự án giao thông trọng điểm: Không triển khai PPP do giải phóng mặt bằng lớn
00:06, 16/06/2022
Vì sao “vắng bóng” dự án PPP?
00:37, 12/06/2022
Sẽ đầu tư cao tốc Dầu Giây – Tân Phú theo phương thức PPP
00:06, 11/06/2022