Đầu tư

Sẽ đầu tư 38.700 tỉ mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Bài và Ảnh: Hương Giang 18/11/2024 14:30

Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được mở rộng 6 - 8 làn xe theo phương thức đối tác công tư (PPP) với số vốn gần 38.700 tỉ đồng; không sử dụng Ngân sách Nhà nước.

Đó là những thông tin được Ban Quản lý dự án 7 báo cáo và gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo các đơn vị để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án mở rộng Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

cao tốc trung lương 1
Tổng mức đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến khoảng 38.693 tỉ đồng.

Đầu tư theo phương thức PPP

Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT đối với dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, Ban Quản lý dự án 7 đã phối hợp cùng liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - Công ty cổ phần Tasco lập theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, phạm vi nghiên cứu dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là toàn tuyến dài 91,8km từ TPHCM đến Mỹ Thuận.

Trong đó, đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đầu tư 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 26m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 41m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Đối với đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện có 4 làn xe và dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, nền đường rộng 17m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 100km/h. Đặc biệt, trong 8 nút giao liên thông của dự án hiện đã có các nút giao vành đai 3, Bến Lức, Cai Lậy, Cái Bè, An Thái Trung đầu tư hoàn chỉnh.

Do đó, Nhà đầu tư đề xuất đầu tư hoàn chỉnh các nút giao còn lại để tăng năng lực thông hành, gồm: nút giao Thân Cửu Nghĩa (bổ sung 3 nhánh), nút giao Chợ Đệm (bổ sung 2 nhánh rẽ và 1 cầu vượt), xây dựng mới nút giao đường tỉnh 818 và nút giao đường nối từ cao tốc TPHCM - Trung Lương (thuộc nút giao Tân An) với quốc lộ 62.

Về lộ trình thực hiện, căn cứ trên cơ sở thực tế nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã và đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, từ quý 2/2024 đến quý 1/2025 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án từ quý 2/2025 đến quý 3/2025; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án từ quý 3/2025 đến quý 1-2026; triển khai thực hiện dự án từ quý 1/2026 đến quý 4-2028.

Căn cứ từ kết quả đánh giá và sơ bộ tổng mức đầu tư dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến khoảng 38.693 tỉ đồng.

Về nguồn vốn, toàn bộ nguồn vốn do nhà đầu tư thu xếp, trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.804 tỉ đồng (15% tổng mức đầu tư), vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 32.889 tỉ đồng (85% tổng mức đầu tư). Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong 23 năm 5 tháng.

cao tốc trung ưlwong 3
Đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đầu tư 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

Và không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án nhà đầu tư sử dụng doanh thu trong 10 năm đầu để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương giai đoạn 1. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính đồng bộ của dự án, dự kiến sẽ xây dựng 3 trạm dừng nghỉ trên cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có trạm dừng nghỉ tại km28+200 thuộc địa bàn tỉnh Long An đang khai thác. Còn trạm dừng nghỉ tại km78+220 (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chưa hoàn thiện. Ngoài ra, theo đề nghị của UBND tỉnh Long An, bổ sung 1 trạm dừng nghỉ tại km12+800 (bên trái tuyến). Đặc biệt, vấn đề này đã được nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất quy mô khoảng 20ha và kiến nghị mở rộng trạm dừng nghỉ tại km28+200 với quy mô khoảng 20ha mỗi bên. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư đã nghiên cứu thêm phương án điều chỉnh vị trí trạm dừng nghỉ tại km78+220 sang vị trí km72+790 với quy mô lớn hơn.

Đáng chú ý, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi UBND TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang đề nghị tham gia ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Về lý do mở rộng, Bộ GTVT cho rằng, cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là trục hướng tâm, cửa ngõ phía Nam của TPHCM, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, có vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong khu vực. Mặt khác, thời gian qua, lưu lượng vận tải trên tuyến tăng cao, vượt quá năng lực phục vụ của tuyến đường, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và có nguy cơ mất an toàn giao thông vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết...

Vì vậy, để thực hiện mở rộng tuyến cao tốc này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo phương thức PPP, Bộ Giao thông vận tải đã giao liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - Công ty cổ phần Tasco lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, phương án tối ưu là đầu tư mở rộng toàn tuyến dài 91km trong giai đoạn năm 2024-2028. Dự án đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách nhà nước tham gia. Trong đó, điểm đầu dự án tại nút giao Chợ Đệm thuộc địa phận TPHCM. Điểm cuối là nút giao An Thái Trung thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.

Đoạn TPHCM - Trung Lương sẽ đầu tư nâng quy mô lên 8 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh và 2 làn dừng khẩn cấp với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 32.270 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sẽ đầu tư 38.700 tỉ mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO