Cần giải pháp “gỡ khó” về nguyên liệu cho ngành… điện tử
Mặc dù đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, ngành công nghiệp được cho đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt với ngành điện tử…
>> 4 thách thức lớn của ngành công nghiệp Dược Việt Nam
Theo đó, thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng năm 2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 164,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 35,6%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cao nhất, đạt 42,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 22,9%).
Từ thực tế đã nêu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp điện tử đang tăng mạnh, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp là đối mặt tình trạng khan hiếm, thiếu hụt.
Thông tin với báo chí, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu hụt linh kiện nguyên vật liệu, chất bán dẫn đã xảy ra từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Đáng nói, hiện chip nhớ đang là vấn đề lớn đối với các ngành sản xuất điện tử trên toàn cầu, nhu cầu về chất bán dẫn đã tăng lên trong những năm gần đây khi mà cuộc sống phụ thuộc nhiều vào các thiết bị điện tử hơn. Ảnh hưởng của việc thiếu hụt chip đến các ngành như sản xuất điện thoại, máy giặt, ô tô hay máy tính là rất lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Dự kiến, tình trạng thiếu hụt chip sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.
Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp điện tử điện tử Việt Nam chịu tác động lớn do cầu sụt giảm, các tập đoàn điện tử đa quốc gia không còn đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm cao cấp, thay vào đó duy trì sản xuất sản phẩm ở phân khúc trung bình. Dẫn tới, doanh nghiệp điện tử Việt Nam bị ảnh hưởng doanh thu và lợi nhuận. Đến nay, nhu cầu dần phục hồi, đơn hàng dự kiến tăng mạnh vào cuối năm nhưng nguy cơ thiếu nguyên liệu lại đang hiện hữu.
>> Cánh cửa mới cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt
Thực tế, theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ, giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; ngành khai khoáng tăng 2,28%.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp cũng đối mặt với tình trạng giá nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Từ đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Bởi hiện nay, hầu như rất ít doanh nghiệp trong ngành được vay vốn ưu đãi, đồng thời nghiên cứu giảm thêm thuế giá trị giá tăng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Và trên thực tế, vừa qua, Chính phủ đã giảm thuế giá trị giá tăng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từ 10% xuống 8% nhưng theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, mức giảm này còn thấp so với kỳ vọng doanh nghiệp.
Trước thực trạng đã nêu, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần có giải pháp lâu dài để phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...
Doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cân nhắc giữa bài toán kinh tế và sự phát triển ổn định, bền vững trong đa dạng hóa và tìm thị trường nhập khẩu mới. Từ đó, chủ động giảm bớt tỷ lệ phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan đánh giá, Việt Nam cần những doanh nghiệp quy mô tầm trung tham gia vào hoạt động sản xuất các nguyên vật liệu, để gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, thay vì phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Bài học thành công từ phát triển công nghiệp của Hàn Quốc là do họ học hỏi các nước đi trước, sau đó vận dụng để phát triển doanh nghiệp công nghiệp của mình”- bà Phạm Chi Lan bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
4 thách thức lớn của ngành công nghiệp Dược Việt Nam
02:33, 06/07/2022
Cánh cửa mới cho ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt
12:52, 05/07/2022
10-12/8: Triển lãm công nghiệp quốc tế - Vietnam Manufacturing Expo
06:19, 01/07/2022
Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): Hút đầu tư khu công nghiệp
18:25, 29/06/2022
Hải Phòng: Xúc tiến đầu tư năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp
14:42, 29/06/2022